Một tuần sau khi trở thành Á vương 1 cuộc thi Sinh viên thanh lịch do Học viện Phụ nữ Việt Nam và Đoàn khối các cơ quan Trung ương tổ chức, Tùng Sơn, 21 tuổi, quê Nghệ An, bất ngờ khi lượng theo dõi ngày càng tăng, hình ảnh được chia sẻ trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
"Mình không nghĩ nhiều đến điều này trước đó nên rất hạnh phúc khi được mọi người yêu quý, ghi nhận nỗ lực", Sơn nói.
Cuộc thi Sinh viên thanh lịch năm nay có hơn 200 sinh viên đến từ hơn 40 trường đại học, cao đẳng. Đang học năm cuối ngành Sư phạm Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội, Sơn thấy đủ độ chín để tham gia.
Để trở thành một trong 22 thí sinh vào chung kết, Sơn phải qua hai vòng thi trước đó, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Ngay trong vòng sơ khảo, Sơn tạo ấn tượng với ban giám khảo khi kể câu chuyện của mình.
Nam sinh cho hay từng rất căng thẳng vào năm lớp 9. Là người nhút nhát, Sơn áp lực khi nhiều người xì xào chuyện mình theo đuổi môn Ngữ văn. Sơn suy nghĩ rất nhiều, thường tự nói chuyện một mình, cắn môi, cắn móng tay đến chảy máu.
Sau một năm học tại trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, huyện Thanh Chương, nhận được sự tôn trọng cá tính và truyền cảm hứng từ giáo viên dạy Văn và Sử, Sơn dần tự tin, tham gia nhiều hoạt động để thoát ra khỏi suy nghĩ tiêu cực. Nam sinh tập trung học và trở nên nổi trội.
Đến lớp 12, Sơn đạt đồng thời giải ba thi học sinh giỏi Ngữ văn và giải khuyến khích môn Lịch sử của tỉnh Nghệ An, là người duy nhất ở trường giành hai giải cấp tỉnh cùng một năm. Cùng học bạ ba năm loại giỏi, điểm Ngữ văn luôn trên 9, Sơn được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội.
"Đây là bước đầu để mình thực hiện ước mơ trở thành giáo viên giống bố", Sơn nói.
Đỗ vào trường, Sơn càng tự tin hơn. Nam sinh đi dạy thêm ngay năm đầu và có học trò đỗ thủ khoa. Đó là động lực để Sơn mở lớp Văn online mang thương hiệu của mình, giúp học sinh lớp 12 ôn thi đại học. Mỗi năm, lớp có khoảng 30-40 học sinh.
Sơn cũng làm Tiktoker, MC, người mẫu ảnh, đại sứ truyền thông cho nhiều tổ chức liên quan học sinh, sinh viên.
Dù vậy, Sơn vẫn duy trì kết quả học tập tốt ở trường với điểm trung bình đạt 3.21/4, xếp loại giỏi.
Câu chuyện xúc động cùng phần hát dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh ở vòng sơ khảo và phần trình diễn trang phục dân tộc, diễn xướng hầu đồng ở bán kết giúp Sơn vào chung kết. Cuộc thi kéo dài khoảng ba tháng với lịch hoạt động dày đặc, trong khi vẫn phải làm việc, học ở trường khiến Sơn nhiều ngày thiếu ngủ.
"Mình không bỏ bất kỳ buổi tập nào trong suốt cuộc thi, không bao giờ đến muộn. Tính kỷ luật đó giúp mình ghi điểm với ban giám khảo", Sơn nhìn nhận.
Sơn cho biết ngay sau cuộc thi, một số công ty giải trí liên hệ nhưng đã từ chối vì muốn tập trung hoàn thành chương trình học.
Cô Đặng Thu Thủy, giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, theo sát hành trình của Sơn ở cuộc thi.
Dạy môn Văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, ban đầu cô không quá để ý vì học trò có phần trầm lặng. Nhưng tới cuối kỳ, khi chứng kiến em thuyết trình và tham gia các hoạt động nghiệp vụ của khoa, cô Thủy có cái nhìn khác hẳn.
"Sơn có tố chất tốt, rất sôi nổi, hoạt bát, hòa đồng với mọi người", cô Thủy nói.
Sơn được nhiều người biết đến với biệt danh "Anh giáo gen Z". Nam sinh hy vọng trở thành một giáo viên thế hệ mới: giỏi chuyên môn, chuẩn mực, năng động, sáng tạo.
"Mình cũng rất yêu thích nghệ thuật và sẽ thử sức trong tương lai, song song với việc dạy học", Sơn nói.
Dương Tâm