Mô hình Sân vận động trung tâm của PH. |
Nhiều nguồn tin nói rằng giá chào thầu của PH là 56,046 triệu USD, nhưng giá thực ra, giá chào thầu công bố của PH là 57,307 triệu USD. Nhà thầu này có gửi một thư đề nghị sẽ giảm giá 2,2% nếu trúng thầu và sẽ chỉ giảm giá với điều kiện thanh toán kèm theo. Trong khi chủ đầu tư quy định việc thanh toán bằng USD và việc thanh toán sẽ thông qua Vietcombank (VCB), nhà thầu phải mở tài khoản tại VCB Hà Nội để chủ đầu tư thực hiện thanh toán được nhanh chóng, dễ dàng, thì nhà thầu này yêu cầu thanh toán được thực hiện 54% bằng USD và 46% bằng đồng euro, trả trực tiếp vào tài khoản Ngân hàng Đức tại Frankfurt và đồng USD sẽ được trả vào tài khoản của nhà thầu này tại một ngân hàng nước ngoài tại Hà Nội. Tỷ giá đồng USD và euro là cố định với mức 1 USD = 1.043 euro.
Trong hồ sơ dự thầu của mình, nhà thầu này còn yêu cầu phía Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu thiết bị 2% trong tổng số 5% thuế GTGT (tức là nhà thầu này chỉ phải trả 3% thuế GTGT mà thôi, trong khi luật định áp dụng cho tổng thầu phải là 5%). Dễ dàng nhận thấy rằng, số tiền giảm giá không thể bằng số tiền mà chủ đầu tư sẽ phải trả nếu chấp nhận yêu cầu này của nhà thầu HP. Và như thế thì giá của nhà thầu HP không thể xếp ở vị trí "á quân" như 3 bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, và Ủy ban TDTT đã đánh giá.
Phương án kỹ thuật còn nhiều vấn đề
Về phương án thiết kế, kỹ thuật của nhà thầu PH, chúng ta có thể tham khảo một số kiến trúc sư ở nước ngoài.
Thứ nhất, về vấn đề an toàn, phương án của nhà thầu PH không tuân thủ số lượng các lối vào, ra cần thiết cho sân vận động. Nếu sửa đổi để phù hợp với các quy định quốc tế sẽ dẫn đến việc giảm chỗ ngồi (như ngay từ giai đoạn đầu tiên, Ban quản lý dự án đã nhận xét phương án của PH không đạt 40.000 chỗ ngồi). Việc tăng số lượng các lối ra trong các khán đài sẽ làm giảm sức chứa của sân vận động. Nếu để tuân thủ yêu cầu sức chứa 40.000 chỗ ngồi, cần phải mở rộng sân vận động và xem lại kết cấu, móng hoặc thu hẹp kích cỡ các chỗ ngồi. Điều này làm giảm tính tiện nghi tối thiểu của khán đài. Hơn nữa, nếu muốn sửa đổi, cũng đòi hỏi phải có thời gian vì mỗi bộ phận công trình đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhau.
Thứ hai, về mặt khí hậu, phương án của nhà thầu PH là không hợp lý về phần mái sân. Theo thiết kế của PH, mái sân tạo cảm giác như một chiếc mũ cát két gây nóng bức, không thoáng khí, đặc biệt là gây nóng và bí cho những chỗ ngồi trên ban công.
Thứ ba, về mặt vệ sinh. Việc thiếu các khu vệ sinh trong phương án đề xuất của nhà thầu PH và việc bố trí không hợp lý các khu vệ sinh này chứng tỏ sự thiếu kinh nghiệm của các kiến trúc sư. Vì vào thời gian nghỉ giải lao sẽ có rất nhiều khán giả sử dụng các khu vệ sinh, lúc này sẽ cần nhiều phòng vệ sinh hơn các khu vệ sinh công cộng thông thường.
Đôi điều về nhà thầu PH
Theo một số tài liệu về PH, nhà thầu này đã bị thua lỗ đến 2,217 tỷ USD trong vòng 5 năm qua, thậm chí đã suýt bị phá sản vào năm 1999, nếu không có sự ra tay cứu giúp bất ngờ vào phút chót của Thủ tướng Gerhard Schroeder. Công ty này gặp khó khăn về tài chính đến nỗi phải nợ chồng chất, phải đóng cửa hoặc bán thanh lý 149 công ty con, giảm tới hơn 25.000 nhân công từ năm 1996 tới nay.
Hơn thế nữa, hiện công ty đang dính líu đến kiện tụng, đúng hơn là công ty đang bị chính cổ đông lớn nhất của mình (Công ty Gevaert, Bỉ) kiện vì tội che giấu tình hình tài chính (thua lỗ) khi chuyển nhượng cổ phần cho công ty này. Công ty này đã từng bị phạt 30 triệu USD vì tội gian lận đấu thầu trong khi tham dự thầu ở một nước đang phát triển.
Ý kiến người trong cuộc
Xung quanh việc liệu có chọn nhà thầu Đức PH hay không, báo giới đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Hồ Triệu Trị, người Việt Nam quốc tịch Pháp, một trong ba kiến trúc sư tham gia thiết kế phương án cho nhà thầu này.
- Có người bảo ông đang "vận động" để Philipp Holzmann trúng thầu?
- Còn phải biết khái niệm "vận động" được hiểu như thế nào đã. Với tư cách là đại diện của nhà thầu phụ thiết kế, đồng thời cũng là đại diện của PH, nhiệm vụ của tôi chỉ gói gọn ở việc theo dõi diễn biến công việc và thông tin cho nhà thầu, đáp ứng những công việc mà chủ đầu tư yêu cầu. Nhưng với tư cách là người tham gia thiết kế, tôi còn có bổn phận giải thích ý đồ thiết kế để người ta hiểu rõ hơn phương án của mình. Nếu hiểu đó là sự "vận động" thì bất kỳ một kiến trúc sư nào cũng phải làm như vậy.
- Ông có quan hệ với các quan chức liên quan đến gói thầu và thường gặp gỡ họ?
- Tôi không gặp bất cứ ai, ngoài những cuộc gặp gỡ chính thức để giải trình phương án và hồ sơ dự thầu.
- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải có phát biểu trên một tờ báo là có nhà thầu không trúng thầu đã tố cáo nhà thầu khác?
- Tôi cũng có viết thư cho Thủ tướng, nhưng chỉ giải thích quan điểm và phương án của chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ nói xấu phương án của các nhà thầu khác. Mỗi nhà thầu có cách thức riêng của mình. Chúng tôi đem hết khả năng chuyên môn để làm tốt phương án của mình mà không coi việc kiện tụng là điều kiện để thắng thầu. Tố cáo, châm chọc người khác để giành lợi thế cho mình không phải là phong cách của nhà thầu chuyên môn.
- Dư luận phản ánh phương án của PH không thể hiện đúng báo cáo khả thi?
- Đây là vấn đề chuyên môn. Phương án của chúng tôi được hình thành từ báo cáo khả thi, nhưng phương án trong báo cáo khả thi là phương án sơ bộ nên chúng tôi đã phát triển thêm một số điểm nhằm làm cho nó hợp lý hơn, đảm bảo vừa hiện đại vừa mang tính dân tộc. Chẳng hạn như, mọi người thấy chúng tôi đã thể hiện tính truyền thống dân tộc vào công trình, một yêu cầu được ghi trong hồ sơ mời thầu và trong quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng nhưng không được thể hiện trong phương án kiến trúc khả thi. Hoặc như vấn đề an toàn thoát hiểm, theo phương án khả thi thì từ điểm trên cùng của khán giả đến thoát hiểm có khoảng cách rất cao và phải qua nhiều bậc thang nên rất không an toàn, do đó chúng tôi đã thiết kế hợp lý hơn, đảm bảo cho thời gian thoát hiểm chỉ còn 1/2 so với phương án khả thi. Nếu yêu cầu làm giống hệt báo cáo khả thi thì cần gì phải có đấu thầu thiết kế.
- Có ý kiến cho rằng tình hình tài chính của PH "có vấn đề"?
- Tôi có nghe vấn đề này qua một bài báo. Chính vì vậy mà sau khi tư vấn thẩm định, chủ đầu tư đề nghị PH trúng thầu. Chính phủ đã đề nghị xử lý theo 2 phương án: hoặc là kiểm tra tình hình tài chính của nhà thầu này, nếu không có vấn đề gì thì quyết định trúng thầu, hoặc là phúc tra lại kết quả xem xét tư vấn. Tôi cũng được biết Chính phủ Đức, Ngân hàng Đức và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã có văn bản xác nhận tình hình tài chính của PH là không có "vấn đề", trên cơ sở đó chủ đầu tư lại có văn bản gửi Chính phủ vẫn đề nghị PH trúng thầu. Nhưng không hiểu vì sao người ta vẫn thực hiện phương án phúc tra, sau đó là thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét việc thương thảo với nhà thầu HISG, và kết quả là như mọi người đã thấy....
Trong khi các phương án được đưa ra duyệt rồi không chấp nhận thì thời gian khởi công ngày càng bị lùi lại. Nhà thầu nào sẽ được chọn, phương thức xây dựng ra sao còn phải chờ Chính phủ quyết định trong tuần này.
(Theo TBKTVN, Thanh Niên, 2/7)