Điện ảnh Iran đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Những tác phẩm điện ảnh của quốc gia Trung Đông này đa phần giàu chất thơ, có cách kể chuyện tinh tế, đơn giản, ít màu sắc nhưng đậm chất nhân sinh. Tại Liên hoan phim Busan hồi tháng 10, Iran dẫn đầu về số lượng trong danh sách 100 phim điện ảnh châu Á hay nhất mọi thời đại. Năm qua, điện ảnh Iran lại ghi tên mình vào dòng chảy của điện ảnh thế giới khi tác phẩm A Girl Who Walks Alone at Night của nữ đạo diễn Ana Lily Amirpour được giới phê bình đánh giá là một trong những phim độc lập xuất sắc của năm 2015.
Ma cà rồng là một biểu tượng của văn hóa đại chúng phương Tây suốt nhiều thế kỷ. Nó chứa đựng những ẩn dụ về dục vọng, cô đơn của loài người, của tuổi trẻ. Đề tài này không mới nên khó khai thác nhưng không bao giờ cũ để một đạo diễn nào đó không dám thử sức mình. Ana Lily Amirpour - nữ đạo diễn Iran - đã không ngại chọn chủ đề này cho tác phẩm điện ảnh đầu tay và biến nó thành một bộ phim mang đậm chủ nghĩa ấn tượng. Tác phẩm có những cảnh quay ma mị vừa tạo cảm giác sợ hãi, vừa mê hoặc khán giả bằng chính sự cô đơn như thể đó là nơi tận cùng thế giới, nơi con người tách xa khỏi thế giới hiện đại bên ngoài.
Bối cảnh phim là thành phố giả tưởng Bad City - một nơi buồn bã, rời rạc, vô hồn. Một thành phố coi việc thấy xác người vào ban ngày là điều gì đó bình thường, chỉ việc lôi cái xác đấy và vứt vào một hố chôn tập thể. Cả thành phố có cảm giác bị đè nặng bởi một bóng hình bí ẩn ban đêm.
Nữ diễn viên Sheila Vand thủ vai một cô gái xinh đẹp, choàng khăn trên đầu, khuôn mặt vô cảm và thường cố tình bắt chước hành động của người mà cô ta bám theo. Cô gái thích âm nhạc. Trong bóng tối, sự đơn độc, trống rỗng, âm nhạc như làn hương bao vây thành phố, con người để từ đó chân dung những người dân Iran hiện ra buồn bã và vô vị hơn bao giờ hết.
A Girl Walks Home Alone at Night gây ấn tượng với tông màu trắng đen, mang một dáng vẻ ma mị. Cô gái trong phim đôi khi dùng ván trượt để lướt đi trên vỉa hè, tạo cảm giác như một bóng ma. Trong chiếc khăn chồng đầu, khuôn mặt được trang điểm, cô gái giống như một thiên thần ác. Cô bám theo con người, đùa giỡn và hút máu họ đến chết. Nhưng trong không gian đầy hoang mang và kinh dị, người xem chợt nhận ra cô chỉ hút máu những gã đàn ông có hành động bạo hành phụ nữ.
Đây là một cách ám chỉ trực tiếp đến lối sống “trọng nam khinh nữ” của xã hội Iran. Cô gái bảo vệ những thân phận phụ nữ bị ức hiếp, cảnh báo một thằng bé rằng cô sẽ theo dõi hành động của nó cả đời nếu nó không ngoan.
Thay vì để cho cô gái nhân vật chính xuất hiện từ đầu, nữ đạo diễn Amirpour mở đầu phim bằng hình ảnh chàng trai Arash (Arash Marandi) có bộ dạng lãng tử, chăm chỉ làm việc suốt hơn 2000 ngày để mua ôtô nhưng lại vướng vào người cha nghiện ngập. Arash mang dáng dấp một gã đàn ông phương Tây nam tính và tôn trọng phụ nữ. Chính điều đó đã khiến cô gái ma cà rồng có cảm tình đặc biệt với anh sau một lần đụng độ hài hước, khi Arash hóa trang thành ma cà rồng trong một bữa tiệc. Đó là sự hoán đổi tinh tế - một thật trong bộ dạng bình thường và một giả trong bộ dạng hóa trang.
Nữ đạo diễn Amirpour đã xây dựng khởi đầu cho sợi dây tình cảm giữa hai người thật sự đặc biệt. Từ đó, cô sử dụng hiệu ứng hình ảnh đẹp, những phân cảnh vừa tràn đầy sức sống, vừa tăm tối của văn hóa phương Tây để kể cho khán giả một câu chuyện giàu sức nặng của nữ quyền nhưng không gượng ép hay phô trương.
Với văn hóa Hồi giáo đè nặng lên người dân, xã hội hiện đại của Iran đang có những bước chuyển mình để đòi lại sự bình đẳng cho phụ nữ. Bộ phim A Girl Walks Home Alone at Night giống như một tiếng nói mang trong mình sức lan tỏa mạnh mẽ. Thông qua bộ phim, người xem có thể nhận ra sức ảnh hưởng dày đặc của văn hóa phương Tây thông qua âm nhạc và lối sống. Dường như trong thành phố Bad City trông giống nơi tận cùng Trái đất ấy, có một mạch sóng ngầm của sự nổi loạn mà cô gái ma cà rồng là đại diện, để rồi đến cuối cùng vỡ ra, cuốn theo đó sức mạnh của tình yêu và sự giải thoát.
Trailer phim "A Girl Walks Home Alone at Night" |
|
Tuấn Lalarme