Hầu hết những người trẻ tuổi này mới bước vào thị trường việc làm. Đa phần là sinh viên mới tốt nghiệp, hoặc ra trường một, hai năm. Nhưng tất cả đều có suy nghĩ nhảy việc, theo CCTV.
"Tôi đã đổi việc hai lần, bởi vì tôi muốn làm điều mình yêu thích. Tôi đang tìm kiếm công việc mà từ đó, tôi có thể học hỏi nhiều điều", một người tìm việc trẻ tuổi nói.
Hơn 55% thanh niên sinh ra vào những năm 90 ở Trung Quốc muốn thay đổi công việc, theo báo cáo của Zhaopin.com, một trong những công ty tuyển dụng trực tuyến lớn nhất nước này. Với thế hệ 8x, con số là dưới 50%.
"Năm ngoái, từ khắp các trường đại học cả nước, công ty chúng tôi tuyển dụng được hơn 100 ứng viên 9x. Thế nhưng bây giờ, hơn một nửa đã bỏ đi. Họ cho rằng lương của họ không bằng lương công nhân", trang Dsqq dẫn lời một nhà tuyển dụng nói.
Lớn lên trong môi trường sung túc đầy đủ, thế hệ 9x có nhiều đặc điểm chung. Họ cá tính hơn, và cố gắng để cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Liệu công việc đó có gây hứng thú không, hoặc có nhiều triển vọng không, đó là những điều đầu tiên họ quan tâm.
Theo một khảo sát của trường Đại học Lâm nghiệp và Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, sinh viên ở đây không muốn làm việc tại các công ty nhỏ.
"Không phải là không tìm được việc, mà là không tìm được công việc thích hợp với bản thân. Cũng có vài công ty muốn tuyển dụng tôi, nhưng mấy công ty này quy mô tương đối nhỏ, vả lại lương bổng cũng kém", một sinh viên họ Lý, trường Đại học Nông nghiệp Nam Kinh nói.
Nhưng những kỳ vọng của họ có thể sẽ không được đáp ứng, bởi vì những ông chủ tương lai của họ lại suy nghĩ khác.Các nhà tuyển dụng đánh giá cao nhân viên trẻ ở chỗ họ tràn đầy nhiệt huyết và thích bày tỏ ý kiến.
Tuy nhiên, có một vài khía cạnh lại không được các ông chủ đánh giá cao, chẳng hạn như sự bất cẩn và luộm thuộm. Nhiều nhà tuyển dụng cũng cho rằng một số người đi xin việc trẻ tuổi thực chất không biết bản thân muốn gì.
"Ý thức về bản thân sẽ trở nên rõ ràng hơn mỗi lần họ chuyển việc. Nhưng hiện nay, nhiều người vẫn còn mơ hồ về thứ mình thực sự mong muốn", một nhà tuyển dụng nói.
"Tôi từng quyết định chọn công ty tư nhân, thay vì doanh nghiệp nhà nước", Đới Tường, giám đốc nhân sự của Tập đoàn Khoa học Công nghệ Đại Á, một trong 520 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, chia sẻ. Theo anh, doanh nghiệp nhỏ cũng có nhiều thuận lợi.
Tốt nghiệp đại học Tứ Xuyên năm 1992, anh đầu quân vào một công ty nhỏ ở Nam Kinh, thủ phủ Giang Tô, Trung Quốc. "Mới đầu tôi vào làm dưới nhà xưởng, công việc rất vất vả, sau ba năm, tôi làm quản lý xưởng. Sau đó nhận thấy cần phải bổ sung kiến thức, tôi quyết định học tiếp nghiên cứu sinh ở đại học Nam Kinh. Sau khi tốt nghiệp, vừa có kinh nghiệm làm việc, vừa có bằng cấp, tôi được công ty hiện nay nhận vào làm luôn. Giờ lương tính theo năm của tôi là 400.000 nhân dân tệ (khoảng 1,4 tỷ đồng)", Đới Tường nói.
Theo anh, vì thiếu định hướng nghề nghiệp và thiếu kiên nhẫn, sinh viên mới tốt nghiệp đa phần có tư tưởng không thỏa mãn với công việc đầu tiên tìm được. "Ở công ty chúng tôi, sinh viên vừa tốt nghiệp mới tới làm việc, bắt buộc phải xuống làm việc hai năm dưới công xưởng, công việc ở đó quả thật vất vả và đơn điệu. Nhưng chỉ cần kiên trì, chắc chắn sẽ không muốn rời đi nữa".
Anh cho rằng nói lương sinh viên mới ra trường thấp hơn công nhân là không đúng. Lương khởi điểm của công nhân ở Trung Quốc thường vào khoảng 2.000 nhân dân tệ. "Ở công ty chúng tôi, lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường là 2.500 đến 3.000 nhân dân tệ (khoảng 8 triệu đến 10 triệu đồng). Ba năm sau khi được thăng chức lên vị trí quản lý cấp một, lương sẽ tăng lên là 5.000 nhân dân tệ (khoảng 16 triệu đồng); 5 năm sau sẽ được tăng chức làm trưởng phó phòng, lương sẽ là 7.000 đến 8.000 nhân dân tệ (khoảng 21 đến 25 triệu đồng); cao hơn nữa là quản lý cao cấp, lương hàng năm hơn 200.000 nhân dân tệ (hơn 700 triệu đồng)".
Trong khi các sinh viên trẻ chuyển từ công việc này sang công việc khác, cố gắng tìm cơ hội làm việc ở các doanh nghiệp lớn ở thành phố, thì các bậc đàn anh, có nhiều kinh nghiệm hơn, lại khuyên họ về quê tìm việc.
"Tôi làm việc được hai năm ở một công ty nhà nước, lương tháng 3.300 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng), nhưng không dành dụm được đồng nào, vì tiêu hết vào tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt", Huệ Chí Quân, hiện đang làm phó chủ nhiệm một trung tâm kinh tế nông thôn huyện Quán Nam, thuộc thành phố cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô, chia sẻ kinh nghiệm.
Sau hai năm chật vật trên thành phố, anh quyết định về quê làm việc. Mặc dù lương cả năm chỉ được khoảng 30.000 nhân dân tệ (khoảng 105 triệu đồng), nhưng chi phí sinh hoạt rẻ hơn rất nhiều, và không bị áp lực, anh có thể làm thêm công việc khác. Sau ba năm, Huệ Chí Quân mua được một căn hộ hơn 100 m2, tính cả tiền mua nhà, sửa chữa và đóng nội thất, tổng cộng hết hơn 240.000 nhân dân tệ (khoảng 840 triệu đồng). "Ở Nam Kinh, số tiền này có lẽ chỉ đủ mua một cái nhà vệ sinh", anh đùa.
Hồng Hạnh