Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đã hoàn tất cáo trạng chuyển cùng hồ sơ sang TAND cùng cấp để đưa ra xét xử 254 bị can thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm ở TP HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng. Các bị can bị truy tố về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Dự kiến, các vụ án này sẽ được TAND TP HCM đưa ra xét xử trong tháng 6.
Nhiều địa phương khác cũng đã chuyển hồ sơ vụ án đăng kiểm sang TAND để chuẩn bị xét xử trong hai tháng tới.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có hơn 900 đăng kiểm viên làm việc tại 112 trung tâm đã bị khởi tố, trong đó 291 người đang hỗ trợ kiểm định và đợi tòa án xét xử. Trường hợp các đăng kiểm viên bị đưa ra xét xử đồng loạt vào tháng 6-7 sẽ gây thiếu hụt đăng kiểm viên, nhiều đơn vị phải đóng cửa.
Điều này dẫn đến nguy cơ ùn tắc tại 36 địa phương. Đó là Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tum, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, TP HCM, Trà Vinh và Tuyên Quang.
Trong đó, ùn tắc nghiêm trọng nhất có thể xảy ra tại Hà Nội, TP HCM và Đồng Nai. Đặc biệt, có những địa phương không còn đơn vị đăng kiểm hoạt động như Bắc Kạn và Thái Bình.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, 91 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động 3 tháng do Nghị định 30/2023 quy định đăng kiểm viên bị kết tội liên quan đến kiểm định xe cơ giới sẽ bị thu hồi chứng chỉ. Ngoài ra, trung tâm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ sẽ bị tạm dừng hoạt động 3 tháng.
Để giảm nguy cơ ùn tắc kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị các địa phương giãn cách việc xét xử đăng kiểm viên. Nếu đăng kiểm viên bị xét xử và kết án không cùng một thời điểm thì có thể duy trì hoạt động của một số đơn vị, tình hình ùn tắc sẽ đỡ nghiêm trọng hơn.
Cục cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi Nghị định 139/2018 và Nghị định 30/2023 với trình tự rút gọn, loại trừ trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm.
Hiện nay cả nước có 274 trong số 294 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoạt động, công suất tối thiểu một tháng là 642.240 phương tiện. Trong khi đó nhu cầu kiểm định cao nhất là hơn 500.000 xe mỗi tháng. Tuy nhiên, các trung tâm đăng kiểm phân bố không đồng đều, dễ gây tình trạng ùn tắc cục bộ.
Hơn một năm qua, từ khi bắt đầu điều tra sai phạm trên diện rộng về lĩnh vực đăng kiểm, công an 49 địa phương đã khởi tố 114 vụ án, hơn 800 bị can. Nhà chức trách xác định các vụ án có điểm chung là ăn chia "có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên tục, nhiều cấp độ".
Đại án đăng kiểm được đánh giá là vụ tham nhũng có tổ chức, hành vi có hệ thống, xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm. Khi vụ án được phát hiện, nhiều trung tâm trên cả nước bị dừng hoạt động để làm rõ sai phạm, ảnh hưởng đến quá trình đăng kiểm xe của người dân.