Theo TennisHQ, top 5 tay vợt nam hay nhất thế giới kiếm trung bình tám triệu USD mỗi năm. Top 50-100 kiếm khoảng 510.456 USD, và những người đứng từ 500 - 1.000 thu nhập 6.996 USD.
Nếu ở ngoài top 600 thế giới, một tay vợt không thể sống bằng tiền thưởng. Họ thu nhập dưới mức tối thiểu so với tiền lương ở Mỹ, chỉ 9.554 USD mỗi năm. Mức này thấp hơn thu nhập của người đóng gói hàng tạp hóa bán thời gian hay shipper.
Các tay vợt ngoài top 1.000 chỉ kiếm khoảng 2.726 USD, không đủ tiền vé máy bay đi du đấu. Thống kê của TennisHQ cho thấy những người trong top 300 chật vật để theo đuổi quần vợt. Các tay vợt từ vị trí 267 – 300 ATP kiếm trung bình 42.000 USD, ngang mức lương của một HLV thể thao hoặc kế toán.
Chi phí của họ khi dự ATP Tour rất cao, gồm lương cho HLV, tiền đi lại, trang thiết bị tập luyện, khách sạn, ăn uống và vật lý trị liệu. Phải vươn lên top 150 thế giới, kiếm trung bình 150.000 USD mỗi năm, thì các tay vợt mới hòa vốn. Họ khi ấy được nhiều người biết tới, có thể dùng hình ảnh để kiếm thêm thu nhập từ quảng cáo, hợp đồng tài trợ.
Việc không đủ điều kiện góp mặt ở các sự kiện lớn khiến thu nhập của những tay vợt phía dưới eo hẹp. Chỉ 104 người hay nhất được dự Grand Slam, nơi ngay cả khi thua vòng mở màn bạn cũng kiếm trung bình 58.000 USD, gấp 27 lần số tiền vô địch giải thuộc Future - hệ thống chuyên nghiệp cấp thấp mà Lý Hoàng Nam từng nhiều lầm tham dự. Khi một tay vợt giành quyền dự Grand Slam, họ biết sự nghiệp đã bước lên tầm cao mới, cả về trình độ và tài chính.
"Trở thành VĐV quần vợt là ước mơ của hàng triệu đứa trẻ nhưng nó là nghề chỉ mang lại lợi nhuận cho rất ít người", cựu tay vợt Gui Hadlich chia sẻ. "Với những ai thành công, cuộc sống thật tuyệt vời vì bạn không cần làm gì sau tuổi 30. Nhưng phần lớn chúng tôi không thể hòa vốn, buộc phải giải nghệ và tìm một nghề khác. Có rất nhiều đề xuất thay đổi cách cách trả thưởng của ATP nhưng chưa có gì được thông qua".
Hadlich học quần vợt ở Mỹ, từng lăn lộn ở nhiều giải Challenger và Future. Anh có dịp đấu với những người cùng lứa như Christian Garin, Cameron Norrie và Kyle Edmund. Hadlich kết thúc sự nghiệp ngoài tuổi 20, chuyển sang làm HLV thể thao và viết blog quần vợt. Anh chỉ là một trong hàng nghìn tay vợt trên thế giới không thể đi tới cùng với đam mê.
Tay vợt số một thế giới Novak Djokovic hôm 22/11 thúc giục ATP thay đổi cách trả thưởng để cải thiện thu nhập cho nhóm dưới. Djokovic là Chủ tịch Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp PTPA – tổ chức giúp đỡ các tay vợt tham gia nhiều hơn vào quá trình trả thưởng của các sự kiện chuyên nghiệp. Nhưng, PTPA chịu nhiều sức ép từ các tay vợt hàng đầu và chưa hoạt động như ý muốn của Djokovic.
"Tôi biết chỉ khoảng 350-400 tay vợt hàng đầu kiếm đủ sống bằng nghề này", Djokovic nói với báo Sport Klub của Serbia. "Quần vợt là môn thể thao phổ biến thứ ba thế giới, nhưng nằm ngoài top 10 về thu nhập. Hãy chỉ cho tôi một VĐV trong top 150 của các môn thể thao hàng đầu khác đang sống chật vật".
Theo thống kê của Liên đoàn Quần vợt Quốc tế - ITF, năm 2017 thế giới có 3.873 tay vợt chuyên nghiệp, gồm 2.348 nam và 1.525 nữ, và 6.382 tay vợt trẻ được xếp hạng. Hầu hết họ nhờ nguồn tiền tài trợ từ gia đình để theo đuổi quần vợt những năm đầu sự nghiệp.
Tay vợt số một Việt Nam – Lý Hoàng Nam từng lọt top 400 ATP. Nhưng, tiền thưởng của anh chủ yếu tới từ các giải Future cấp thấp của ITF, gần nhất là sự kiện M15 Sharm El Sheikh tại Ai Cập, nơi tay vợt 24 tuổi nhận hơn 2.000 USD tiền thưởng vô địch. Số tiền này không đủ chi phí cho Nam ở nước ngoài. Anh chủ yếu đi tập huấn nhờ tiền tài trợ, ước tính hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhân Đạt