Thông tin được TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cho biết tại hội thảo khoa học Những thách thức trong chẩn đoán và điều trị nấm phổi, chiều 1/2, nhân Ngày Phòng chống bệnh nấm Aspergillosis toàn cầu – World Aspergillosis Day. Đây là dịp nâng cao nhận thức của nhân viên y tế cũng như cộng đồng về căn bệnh này.
Nấm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi, ít gặp ở người bình thường có sức đề kháng tốt. Bệnh hay gặp ở người suy giảm miễn dịch, già yếu, mắc bệnh mạn tính lâu ngày. Tỷ lệ bệnh nấm phổi chỉ chiếm 0,02% các bệnh phổi, tuy nhiên nếu không phát hiện điều trị kịp thời, khả năng tử vong rất cao.
Nguyên nhân gây bệnh nấm phổi là các loại nấm: Candida, Aspergillus, Cryptococcus. Trong đó, hay gặp nhất là loại Aspergillus, có cả trong nhà và môi trường bên ngoài, rất dễ lây. Hầu hết bệnh nhân thường đến khám vì ho ra máu kéo dài không rõ lý do, sốt kéo dài kèm đau ngực, ho khạc đờm kéo dài kèm khó thở như hen.
Tại Việt Nam, có khoảng 50% bệnh nhân đã từng mắc lao, đến khám lại tại các cơ sở chuyên khoa hô hấp mắc đều mắc nấm phổi do Aspergillus. Việt Nam cũng là nước có gánh nặng nấm Aspergillus phổi mãn tính đứng thứ 5 trên thế giới với trên 55.000 ca mỗi năm.
"Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong sau 5 năm tỷ lệ tử vong xấp xỉ 50%", TS Lượng nói, thêm rằng khi bị nấm phổi, chi phí điều trị rất cao, bệnh chưa được BHYT thanh toán.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bệnh viện Phổi trung ương, cho biết những trường hợp đươc phát hiện và điều trị sớm có thể điều trị khỏi bằng các thuốc kháng nấm.
Bệnh nấm phổi được phát hiện bằng chụp Xquang hoặc chụp cắt lớp vi tính ngực có hình ảnh u nấm trên một hang có sẵn trong phổi có hoặc không kèm theo các tổn thương khác. Nếu không được điều trị, phần phổi bị phá hủy sẽ ngày một lớn, dẫn đến mất chức năng phổi.
TS Lượng đánh giá việc chẩn đoán nhiễm nấm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề nghi ngờ lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Các bác sĩ và nhân viên y tế cần được đào tạo để cân nhắc nhiễm trùng nấm và thường biểu hiện lâm sàng không rõ ràng. Nhiều xét nghiệm chẩn đoán nấm không nhạy, không đặc hiệu, nhiều xét nghiệm không có sẵn ở nhiều nơi trên thế giới.
Hiện nay, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia đang triển khai xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị nấm Aspergillus phổi mạn tính nhằm áp dụng tối ưu các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, hỗ trợ công tác chẩn đoán và điều trị bằng một mạng lưới chuyên khoa từ trung ương đến tuyến cơ sở để phát hiện sớm và chăm sóc hiệu quả lâu dài cho người dân.
Để phòng bệnh nấm phổi, người ân cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn nhiều hoa quả tươi, nâng cao sức đề kháng. Tránh để nấm mốc trong nhà, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, đủ ánh nắng, thông gió tránh ẩm ướt. Khi vệ sinh nhà cửa cần mang khẩu trang để tránh hít phải bụi nấm.
Lê Nga