Cao lương đỏ (1987) cải biên từ tiểu thuyết cùng tên của Mạc Ngôn. Tác phẩm đánh dấu lần hợp tác đầu tiên của Trương Nghệ Mưu - Củng Lợi. Khi biên kịch cho phim, Mạc Ngôn cho rằng Trương Nghệ Mưu không tinh tường khi chọn Củng Lợi đóng chính, ông sợ Củng Lợi sẽ làm hỏng toàn bộ tác phẩm. “Nhưng sự thật chứng minh rằng, tôi đã phán đoán sai”, Mạc Ngôn nói khi phim hoàn thành. Cũng từ tác phẩm này, đạo diễn - diễn viên nảy sinh tình cảm. Trương Nghệ Mưu vì Củng Lợi mà bỏ vợ. Cúc Đậu (1990) do Trương Nghệ Mưu, Dương Phượng Lương đạo diễn, với hai diễn viên chính Củng Lợi - Lý Bảo Điền. Phim bị cấm chiếu ở Trung Quốc nhưng lại nhận được nhiều khen ngợi từ giới phê bình nước ngoài. Cúc Đậu trở thành tác phẩm Trung Quốc đầu tiên được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại giải Oscar. Củng Lợi cho biết, khi đóng Cúc Đậu, có ý kiến gì cô đều nói trực tiếp với Trương Nghệ Mưu: “Tôi hợp tác với Trương Nghệ Mưu nhiều nhất, mỗi phim đều đạt được hiệu quả tốt, tôi rất thoải mái khi đóng phim cùng đạo diễn Trương. Chúng tôi quen với cách làm việc nhau, vì thế hợp tác ngày càng ăn ý”. Ngoài kết hợp với vai trò đạo diễn - diễn viên, Nghệ Mưu, Củng Lợi từng là bạn diễn trong phim Cổ kim đại chiến Tần dũng tình (A Terracotta Warrior, 1990). Tác phẩm kể về mối tình truyền kiếp của Mông Thiên Phóng (Trương Nghệ Mưu đóng) và Hàn Đông Nhi (Củng Lợi). Hai người nếm "trái cấm", sau đó bị khép tội "Khi quân" và chịu hình phạt xử tử. Đèn lồng đỏ treo cao ra mắt năm 1991, kể về cuộc đời của những người phụ nữ được gả vào gia đình bề thế. Các bà vợ lẽ ganh đua giành vị trí, để rồi cuối cùng chịu bi kịch thảm khốc. Tác phẩm giành giải Sư Tử Bạc tại LHP Venice 1991, được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar. Thu Cúc đi kiện (1992) là phim về cuộc sống người dân nông thôn Trung Quốc. Củng Lợi đóng Thu Cúc, người phụ nữ mang bầu đi đòi công bằng cho chồng. Củng Lợi lột tả chân thực và xúc động người phụ nữ thôn quê chân chất, giàu lòng tự tôn. Vai diễn mang về cho cô giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Venice năm 1992. Ngoài ra, phim giành giải Sư Tử Vàng tại LHP này. Phải sống (1994) được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao của Trương Nghệ Mưu. Phim đi sâu vào số phận con người, thông qua chặng đường khốn khổ của nhân vật chính. Phải sống nhận giải thưởng của Hội đồng giám khảo tại Liên hoan phim Cannes năm 1994. Cát Ưu cũng được vinh danh ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Tuy nhiên đến nay, phim bị cấm chiếu ở Trung Quốc. Trong Hội Tam Hoàng Thượng Hải (Shanghai Triad, 1995), Củng Lợi vào vai ca nữ Tiểu Kim Bảo - người tình của ông trùm xã hội đen họ Đường (Lý Bảo Điền đóng). Cùng lúc đó, Kim Bảo lại có tư tình với người đàn ông khác. Hội Tam Hoàng Thượng Hải đánh dấu sự kết thúc của mối tình Trương Nghệ Mưu - Củng Lợi. Dù không còn là người tình của nhau, Nghệ Mưu - Củng Lợi chứng minh họ vẫn là "cặp bài trùng" trong điện ảnh. Năm 2007, bộ phim cổ trang hoành tráng Hoàng Kim Giáp ra mắt, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tác phẩm quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng: Châu Nhuận Phát, Củng Lợi, Châu Kiệt Luân, Lưu Diệp... Nhờ tác phẩm này, Củng Lợi giành danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc tại giải Kim Tượng. Năm 2014, Trương Nghệ Mưu - Củng Lợi tái hợp với Coming Home (Trở về) - phim cảm động về số phận con người trong và sau Cách mạng Văn hóa. Trong phim, Trương Nghệ Mưu dành nhiều cảnh quay tập trung vào biểu cảm trên gương mặt Phùng Uyển Dụ (Củng Lợi đóng), cho thấy khả năng diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên. Trong một lần giới thiệu tác phẩm, Trương Nghệ Mưu nói rằng Củng Lợi là nữ diễn viên hợp tác với ông nhiều nhất và rất khó có người thứ hai như vậy. Với ông, Củng Lợi là duy nhất. Hải LanThư tình Củng Lợi viết cho Trương Nghệ Mưu Củng Lợi chỉ trích giải Kim Mã sau khi ra về tay trắng