Gần một thập kỷ trôi qua kể từ lần tái ngộ gần nhất trong Hoàng Kim Giáp, đôi tình nhân lắm duyên nhiều nợ lại vừa tái hợp trong Coming Home (Quy lai). Từng một thời “già nhân ngãi, non vợ chồng”, từng cùng nhau đi qua những vinh quang rực rỡ của nghề nghiệp để rồi đường ai, nấy đi trong cay đắng; sự trở lại lần này của Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi có thể ví như “nối lại chiêm bao đứt quãng”. Tuy không thể đạt tới mức kinh điển như Cúc Đậu và Đèn lồng đỏ treo cao nhưng Quy lai là một tín hiệu cho thấy một bậc thầy điện ảnh đã trở lại với những câu chuyện riêng tư, thuần khiết về số phận con người.
Quy lai đề cập đến đề tài từng được coi là cấm kỵ của điện ảnh Trung Hoa: Cách mạng Văn hóa. Đây là giai đoạn diễn ra trong 10 năm từ 1966 đến 1976. Hàng triệu người Trung Quốc đã bị đàn áp, tra tấn, bỏ tù, xử tử trong thời kỳ này. Chính cha của Trương Nghệ Mưu cũng bị liệt vào thành phần phản cách mạng dẫn đến hậu quả cả gia đình ông bị xa lánh, cách ly.
Trương Nghệ Mưu từng chia sẻ: “Thời kỳ này chiếm một phần tuổi thanh xuân của tôi, kéo dài từ năm tôi 16 đến 26 tuổi. Trong 10 năm đó, tôi đã chứng kiến biết bao điều khủng khiếp và những bi kịch con người. Nhiều năm qua, tôi muốn làm phim về Cách mạng Văn hóa, để được kể về những nỗi khổ đau, về số phận và những quan hệ của con người trong một thế giới đầy hận thù, nơi con người không có khả năng tự chủ. Tôi không chỉ muốn làm một mà là nhiều phim về thời kỳ này, những bộ phim mang tính tự truyện hoặc là câu chuyện của người khác”.
Những phim trước đây của ông như Phải sống và Chuyện tình cây táo gai đã phần nào đề cập đến Cách mạng Văn hóa. Nhưng phải đến Quy lai, những bi kịch do nó gây nên mới trở thành trọng tâm, nội dung chính của cả câu chuyện.
Trương Nghệ Mưu đã lựa chọn khôn ngoan khi không đi sâu vào nguyên nhân hay những điều khủng khiếp diễn ra suốt giai đoạn 1966 - 1976. Câu chuyện trong Quy lai chỉ thực sự bắt đầu khi Cách mạng Văn hóa đã kết thúc, những tù nhân chính trị được trả về.
Bộ phim tiếp cận giai đoạn này không phải với thái độ giận dữ hay hận thù mà bằng sự trầm tĩnh, khoan dung tuyệt vời. Quy lai là một tác phẩm điện ảnh cảm động về tình yêu và sự cứu rỗi. Thông qua những phép ẩn dụ được cài cắm khéo léo, Quy lai đã tiết lộ nhiều điều về tính cách và tầm vóc của cả một dân tộc.
Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Lục Phạm Yên Thức của nhà văn Nghiêm Ca Linh. Phim bắt đầu khi Lục Yên Thức (Trần Đạo Minh), một tù nhân chính trị, trốn trại cải tạo tìm cách gặp vợ là Phùng Uyển Dụ (Củng Lợi) ở ga xe lửa. Con gái họ, Đan Đan (Trương Tuệ Văn) vì muốn giành lại vai chính trong vở múa, đã tố giác cha với chính quyền. Hai vợ chồng chưa kịp gặp nhau thì cảnh sát đã ập đến, bắt Yên Thức ngay tại trận.
Ba năm sau, Cách mạng Văn hóa kết thúc. Lục Yên Thức được phục hồi danh dự và trở về nhà. Con gái ông từ bỏ niềm đam mê ca múa và trở thành công nhân trong xưởng may. Vợ ông bị mất một phần trí nhớ, không còn nhận ra chồng. Suốt quãng đời còn lại của mình, Yên Thức cố gắng trong tuyệt vọng để lấy lại ký ức của người vợ về mình.
Kịch bản của Quy lai có sự thay đổi đáng kể so với cuốn tiểu thuyết. Thay vì tường thuật lại cuộc đời của Yên Thức trong 70 năm nhiều biến cố, bộ phim chỉ tập trung vào những trang cuối khi nhân vật đã về già. Những bão táp kinh hoàng của Cách mạng Văn hóa được cô đặc lại trong bi kịch nhỏ của một gia đình trí thức cơ bản. Không đao to búa lớn, không đại cảnh hoành tráng, không quá nhiều tuyến nhân vật, phim kể một câu chuyện tối giản với vỏn vẹn ba người. Bối cảnh chính của phim chỉ là một căn phòng nhỏ với một cây dương cầm cũ kỹ.
Những khán giả trẻ, đặc biệt là khán giả phương Tây có thể thấy câu chuyện mà Quy lai kể sáo mòn và ủy mị. Tuy nhiên, đối với người Á Đông, đặc biệt những người đã trải qua Cách mạng Văn hóa, đây là bộ phim xúc động đến tận tâm can.
Xét ở một khía cạnh nào đó, chứng mất trí nhớ của Uyển Dụ có thể coi là một biểu tượng của mong muốn chối bỏ đến tận cùng quá khứ đau thương. Điều này đặc biệt có ý nghĩa hơn nếu xem xét lại lịch sử thế kỷ 20. Nhưng quá khứ dù có bị lãng quên, nỗi đau vẫn ở lại. Kết thúc của Quy lai là một hạnh phúc thỏa hiệp trong một thế giới không toàn vẹn. Dẫu hậu quả của cuộc Cách mạng Văn hóa là không thể xóa nhòa, song con người vẫn không được đầu hàng nghịch cảnh, mà phải tìm cách sống chung với nó, vươn lên mà sống, sống bằng mọi giá… Quy lai có lẽ cũng là một gợi ý của Trương Nghệ Mưu: chỉ khi biết chấp nhận, tha thứ cho nhau và tha thứ cho chính mình, người ta mới có thể yên lòng tiến lên phía trước.
Nhưng trên hết, nổi bật nhất, Quy lai vẫn là một câu chuyện về tình yêu. Vượt qua mọi giông tố của cuộc đời, mọi khoảng cách không gian, thời gian, mọi căn bệnh và sự hữu hạn của trí nhớ, tình vợ chồng vẫn son sắt thủy chung. Giống như A.N.Tolstoy từng viết: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và chỉ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương”. Yên Thức và Uyển Dụ vẫn sẽ mãi chờ đợi nhau dù không biết phải chờ đến bao giờ.
Quy lai là một bộ phim cảm động, dễ làm khán giả rơi lệ, phần lớn nhờ diễn xuất thuyết phục của ba diễn viên chính. Trần Đạo Minh, trước đó từng hợp tác với Trương Nghệ Mưu trong phim Anh hùng, lần này thủ vai một người chồng cao thượng và tận tụy. Củng Lợi, “nàng thơ”, người tình lâu năm của đạo diễn họ Trương thể hiện biểu cảm khuôn mặt tuyệt vời. Chị cũng là một phần nguyên nhân khiến bộ phim lạm dụng cảnh cận. Trần Tuệ Văn, phát hiện mới của Trương Nghệ Mưu, cũng chứng tỏ được khả năng diễn xuất tinh tế và triển vọng.
Sau một thời gian làm phim thương mại, trở về với dòng phim nghệ thuật, Trương Nghệ Mưu đã có đôi chút thỏa hiệp. Không còn sự thô mộc, chân chất như ở những tác phẩm thời kỳ đầu, nhân vật và cảnh trí trong Quy lai đều bóng bẩy chỉn chu đến mức đỏm dáng, ít thuyết phục. Điều này có thể khiến một số nhà phê bình khó tính không hài lòng, nhưng lại chinh phục số đông khán giả. Đến nay, Quy lai đã thu về khoảng 300 triệu NDT (khoảng 48 triệu USD) - một kỷ lục với phim nghệ thuật nội địa.
Trailer phim "Coming Home" |
|
Anh Trâm