Tiến sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW, phẫu thuật viên chính, cho biết kết quả đánh giá điện cơ và dẫn truyền thần kinh trước mổ khiến ê kíp "đứng ngồi không yên vì lo lắng". Toàn bộ cấu trúc cơ và các sợi cơ xơ hóa nặng, mất hết cấu trúc, đặc biệt cơ vòng miệng, cơ mút bị tiêu hủy hoàn toàn, tuyến nước bọt lẫn lộn trong máu.
"Nếu ở lần mổ trước, gương mặt bệnh nhân được đánh giá tựa hóa thạch nghìn năm thì lần này, công đoạn bóc tách những mô cơ đó càng khó khăn hơn", bác sĩ Dung chia sẻ.
Các thành viên nhiều đêm hội chẩn trước mổ với chuyên gia trong và ngoài nước, nghiên cứu tài liệu y khoa và liên tục đo vẽ cho bệnh nhân Mến ở tất cả tư thế để đảm bảo những đường vẽ chuẩn xác.
Theo bác sĩ Dung, quá trình gây mê đối diện nhiều cam go, nếu không cẩn trọng có thể đâm thủng vách ngăn mũi và chọc thẳng khối u bên lỗ mũi trái. Môi trên của bệnh nhân quá gần với nơi đặt nội khí quản gây mê, gây khó khăn trong quá trình định hình đường mổ. Nếu xâm lấn vùng da này quá nhiều sẽ dẫn đến thiếu máu nuôi gây hoại tử vùng miệng rất nguy hiểm.
Kíp mổ mất hơn 5 giờ để tạo hình môi trên, thu gọn hoàn toàn môi dưới, tạo hình hai bên mép miệng. Ở chặng mổ tiếp theo, các bác sĩ chuyển bệnh nhân về tư thế ngồi để điều chỉnh vùng môi trên và định hình lại đường mổ để cắt bỏ hai khối viêm phù nề, chảy xệ hai bên má.
"Thật sự quá khó để xác định vị trí chính xác của tuyến nước bọt giữa một vũng máu đỏ tươi", bác sĩ Dung nói. Việc đặt dao mổ đi từ mép miệng vòng một đường lớn kéo dài đến ½ của vùng má, nếu không cẩn thận hoặc dao mổ đi lệch một chút có thể dẫn đến nguy cơ đứt ống tuyến nước bọt hai bên má.
Tổng diện tích hai khối viêm phù nề ở hai má được cắt bỏ cắt bỏ là 150 cm2. Các phẫu thuật viên gặp nhiều trở ngại khi khâu cuống tất cả mô xơ do cơ mặt của bệnh nhân đã bị tiêu hủy hoàn toàn suốt 15 năm qua.
"Dù gian nan nhưng kết quả đúng như kỳ vọng, gương mặt bệnh nhân Mến đã hoàn thiện 65%, tạo hình được khuôn miệng rõ ràng", bác sĩ Dung cho biết. Đôi mắt ông đỏ ngầu vì tập trung cao độ hơn 9 giờ mổ.
Tối 19/9, anh Mến tỉnh táo khi bác sĩ gọi tên ở phòng hồi sức, các dấu hiệu sinh tồn ổn. Gương mặt vẫn còn băng bó nhưng gọn gàng hơn rất nhiều, các đường nét mũi miệng dần rõ ràng. Ánh mắt anh vui mừng khi bác sĩ cầm gương cho soi.
Sau lần mổ cắt bỏ phần da chảy xệ vùng cổ, taọ hình bước đầu vùng mặt cách đây một tháng, anh Mến rất hào hứng vì "15 năm rồi, cuối cùng cũng thấy được cằm của mình", "mọi thứ như giấc mơ". Đôi mắt không còn lật mi hay căng đỏ vì sức nặng của gương mặt gây ra.
Bệnh nhân Lê Văn Mến bị chảy xệ gây biến dạng mặt từ năm 20 tuổi, phải ngủ ngồi vì không thể thở khi nằm. Các bác sĩ hội chẩn với nhiều chuyên gia nước ngoài, gửi mẫu sinh thiết đi nhiều nơi, giải mã 23.000 gene nhưng hiện vẫn chưa tìm được đáp án chính xác của căn bệnh. Dự kiến bệnh nhân trải qua 4-5 lần mổ trong khoảng hai năm với mục tiêu khuôn mặt có thể gần như bình thường.