Thông tin này được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đưa ra tại hội nghị trực tuyến ngày 7/10. Số vốn này có thể điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.
Trước đó, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài (vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài) là 51.550 tỷ đồng, trong đó bộ, ngành hơn 16.600 tỷ đồng và địa phương là hơn 34.900 tỷ đồng.
Ông Long cho biết, đến 6/10, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành mới đạt 3.166 tỷ đồng, tương đương hơn 19% kế hoạch được giao. Kết quả này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và 2020.
Với kết quả trên, ông Long cho rằng việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn trên 95% như mục tiêu Nghị quyết 63 là không khả thi.
Lý giải cho việc chậm trễ giải ngân, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, có 6 trên 15 dự án đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài bị vướng mắc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết từ đầu năm tới nay mới giải ngân trên 45% theo kế hoạch. Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án. Theo Bộ này, dù đã xin cơ chế cho cách ly tại công trường nhưng chỉ một số địa phương đồng ý, còn lại đều phải dừng thi công. Nhiều dự án thủy lợi tới nay được phép thi công lại nhưng cũng khó triển khai vì đang mùa mưa...
Tương tự, giải ngân đầu tư công nguồn nước ngoài của các địa phương dự kiến năm nay cũng chỉ đạt khoảng hơn 36% kế hoạch vốn.
Tại Hà Nội, với 7 dự án ODA được giao có tổng vốn 7.800 tỷ đồng, đến hết tháng 9 mới đạt hơn 17% tiến độ. Ngoài khó khăn do Covid-19, ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, vấn đề về giải phóng mặt bằng là vướng mắc thường xuyên. Giá vật liệu xây dựng từ đầu năm tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ triển khai dự án. "Hà Nội đang rà soát và đã đề nghị điều chỉnh vốn ODA cấp phát, giảm 4.500 tỷ đồng", ông nói.
Còn tại TP HCM, với nguồn vốn nước ngoài bố trí là 12.550 tỷ đồng cho 8 dự án, đến nay mới hoàn thành hơn 12% kế hoạch. Thành phố sẽ cắt giảm vốn đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm trễ, bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án cấp bách, có khả năng giải ngân nhanh. Do dịch bệnh còn phức tạp nên TP HCM đề nghị giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương hơn 2.900 tỷ đồng với 5 dự án, giảm vốn vay 11.940 tỷ đồng.
Lý giải về thực trạng chung tại các bộ ngành và địa phương, ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đề cập ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là tiến độ thực hiện của phần lớn dự án ODA chịu tác động nặng nề vì Covid-19. Thứ hai là có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư... Cuối cùng, theo ông Hiển là công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều, bộ ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt tại các địa phương sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ông nhấn mạnh, đây là năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2025, nếu tiến độ giải ngân thực hiện của năm nay thấp sẽ ảnh hưởng đến năm sau và các năm tiếp theo.
Đại diện các bộ, ngành đã kiến nghị một số giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Ông Trương Hùng Long cho biết, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các ý kiến báo cáo Thủ tướng và phối hợp tháo gỡ khó khăn, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công...
Quỳnh Trang