Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Xinhua. |
Các biện pháp đó bao gồm:
1. Duy trì truyền thống tốt đẹp thăm viếng và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao dưới nhiều hình thức phong phú, như thăm chính thức, thăm làm việc, cử đặc phái viên…, kịp thời trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế, khu vực và các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương.
2. Bên cạnh việc mở rộng và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương giữa các cấp, ngành, địa phương của hai nước, cần không ngừng nâng cao vai trò và phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng; cùng nhau triển khai hiệu quả, thiết thực Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng giai đoạn 2011-2015.
3. Hai bên quan tâm thỏa đáng đến công tác giáo dục các tầng lớp nhân dân về tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; mở rộng và tăng cường giao lưu nhân dân một cách phong phú, thiết thực, hiệu quả, nhất là giữa thanh thiếu niên hai nước.
4. Phát huy đầy đủ và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc trong việc quy hoạch tổng thể và đẩy mạnh toàn diện hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, cũng như nâng cao vai trò trong việc chỉ đạo khắc phục các cơ chế, chính sách còn vướng mắc; trước mắt, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch 5 năm phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước giai đoạn 2011-2015.
5. Thúc đẩy mở rộng hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh; chấp hành nghiêm túc và triển khai có hiệu quả những nội dung hợp tác mà hai bên đã thỏa thuận; tăng cường tổ chức giao lưu giữa lực lượng vũ trang hai bên nhằm tăng cường đoàn kết, tin cậy, học hỏi lẫn nhau…
6. Hai bên tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước, tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều đi đôi với các biện pháp từng bước giảm tình trạng nhập siêu của Việt Nam trong cán cân thương mại song phương.
7. Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch…
8. Thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy giữ gìn, bảo vệ và sử dụng nguồn nước ở lưu vực các sông suối chung giữa hai nước, trên cơ sở đảm bảo môi trường và phát triển bền vững.
9. Đối với các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh trong quan hệ giữa hai nước, trong đó có các vấn đề trên biển, hai bên cần kiên trì và bình tĩnh xử lý, giải quyết thoả đáng, công bằng, hợp lý, thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, phù hợp với nhận thức chung đã đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, các thoả thuận quốc tế và đặc điểm quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước, quyết không để bất cứ vấn đề gì, bất cứ thế lực nào chia rẽ quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
TTXVN