Thị trường thương mại điện tử là một trong những kênh phát triển thiết yếu của ngành thời trang. Theo Data Feed Watch, năm 2018, doanh thu ngành thương mại điện tử thời trang toàn cầu đạt 481 tỷ USD. Con số này tăng lên thành 545 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt 713 tỷ USD vào năm 2022. Sự hiện diện của thương mại điện tử đã giúp nhiều người đam mê thời trang và các nhà thiết kế thời trang trẻ khắp nơi phát triển thành doanh nghiệp với chi phí thấp. Statista nhận định, tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử trong ngành thời trang trên toàn thế giới dự kiến đạt 50% vào cuối năm nay.
Với kinh nghiệm 6 năm kinh doanh thời trang, trong đó có 5 năm phát triển ngành trên thương mại điện tử, anh Đào Thế Vinh (TP HCM) nhà sáng lập Midori Workshop khẳng định, thương mại điện tử là mảnh đất tiềm năng cho những người trẻ muốn khởi nghiệp. Trước khi trở thành ông chủ thương hiệu thời trang cho giới trẻ, anh Vinh từng làm việc trong ngành logictics tại tập đoàn toàn cầu FedEx.
Nghỉ việc tập đoàn toàn cầu về Việt Nam lập nghiệp
FedEx, trước đây là tập đoàn FDX, là công ty giao nhận kho vận lớn của Mỹ. Làm việc trong môi trường quốc tế, anh Đào Thế Vinh có cơ hội đi công tác ở nhiều nước như Malaysia, Philippine, Thái Lan. Công việc thuận lợi, được đãi ngộ tốt, nhưng anh Vinh vẫn thấy "thiếu thiếu thứ gì". Tâm lý sống và làm việc ở nơi đất khách quê người, khiến anh Vinh luôn mong chờ một ngày được về Việt Nam, vừa để đoàn tụ gần gũi gia đình, vừa có cơ hội cống hiến cho nước nhà.
Nhân cơ hội được điều động về làm việc ở chi nhánh của FedEx tại Việt Nam, anh Vinh quyết định sẽ tranh thủ thời gian này để phát triển sự nghiệp ở quê hương. Bên cạnh công việc tại FedEx, anh Vinh tìm hiểu thêm về thị trường thời trang trong nước. Nhận thấy, các thương hiệu thời trang cho các bạn trẻ Việt thời bấy giờ chưa đa dạng, trong khi nhu cầu của đối tượng khách hàng này rất lớn, anh lên kế hoạch đầu tư mảng kinh doanh này.
Năm 2015, Midori Workshop do anh Vinh đầu tư ra đời, mở ra thêm kênh mua sắm thời trang cho giới trẻ. Midori trong tiếng Nhật, có nghĩa là màu xanh lá. Lấy tên thương hiệu Midori, anh Vinh muốn truyền tải thông điệp phát triển những sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường. Không chỉ cẩn trọng ở khâu lựa chọn chất liệu vải, anh còn chú ý đến giá cả sản phẩm, sao cho phù hợp với túi tiền của những người trẻ, cần tích luỹ tài chính.
Vượt khó xây dựng thương hiệu trong năm đầu
Nắm bắt được xu hướng của giới trẻ là thích sản phẩm thiết kế nên thay vì hàng nhập khẩu như số đông, anh Vinh chọn con đường tự thiết kế sản phẩm. Anh may mắn có một bạn thiết kế đồng hành từ những ngày đầu. Với số vốn 100 triệu đồng ban đầu, anh phát triển khoảng 4 mẫu áo, mỗi mẫu 3 màu cùng 2-3 size.
Nhân sự, chi phí vận chuyển, hàng hóa, gian hàng luôn là bài toán đau đầu của những người khởi nghiệp. Anh Vinh cũng không ngoại lệ. "Hàng thiết kế chất lượng được bán với giá sinh viên trong khi chi phí vận hành cao nên tôi không kỳ vọng nhiều vào lãi. Thay vào đó, tôi muốn tập trung phát triển thương hiệu", anh Vinh kể.
Ngoài kho xưởng sản xuất, anh tập trung tham gia các hội chợ cuối tuần cho sinh viên. Là hàng thiết kế, thương hiệu được ưu tiên mở gian hàng đầu ngay gần cổng hội chợ nên cơ hội tiếp cận khách hàng cũng lớn hơn. Tuy nhiên, anh phải thường xuyên tìm kiếm, thay đổi người bán hàng do nhân sự bán hàng chủ yếu là sinh viên, không được linh hoạt về thời gian. Chưa kể việc chuẩn bị cho một gian hàng mất khoảng 1-2 tiếng, cần nhiều nhân sự hỗ trợ để có thêm thời gian bán hàng.
"Mùa mưa bão, có những ngày, anh chỉ bán được 200.000-300.000 đồng, trong khi chi phí chuẩn bị gian hàng là 1,2 triệu đồng, chưa kể tiền trả cho nhân viên. Lỗ là chuyện bình thường", anh nhớ lại.
Tuy nhiên, theo anh Vinh, không có con đường nào là trải hoa hồng, phải trải qua khó khăn, thách thức, mỗi người mới có thể nhận lại thành quả xứng đáng. Kiên trì với lựa chọn từ đầu, sau gần nửa năm theo đuổi ngành thời trang thiết kế, từ một hai điểm bán, anh Vinh mở rộng được 10 gian hàng tại các hội chợ cuối tuần cho sinh viên.
Tìm đến thương mại điện tử để mở rộng tệp khách hàng
Sau một năm phát triển, nhận thấy những tín hiệu khả quan, anh Đào Thế Vinh tìm cách mở rộng thương hiệu. Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, từng làm việc trong môi trường logictics, nhạy bén với xu thế thị trường, anh nhận ra ngành thời trang trên thương mại điện tử là cơ hội lớn.
"Ngành thời trang đứng thứ hai chỉ sau ngành bán lẻ tiêu dùng trên thương mại điện tử, các thương hiệu lớn trong nước cũng chưa phát triển trên nền tảng này nên tôi nghĩ đây là cơ hội của mình", anh Vinh kể.
Với kinh nghiệm có được trong ngành logictics, anh Vinh học được cách vận hành hệ thống, chuỗi cung ứng, quản trị nguồn nhân lực, cân đối tài chính... Do đó, việc phát triển một gian hàng thương mại điện tử không quá bỡ ngỡ với anh. Sau đó, anh tích cực tham gia các khóa học để tìm hiểu sâu hơn cách vận hành và hoạt động của sàn, từ đó có cách thức phát triển gian hàng phù hợp.
Việc phát triển trên thương mại điện tử giúp anh Vinh mở rộng tệp khách hàng ra khắp cả nước. Chưa kể sàn thương mại điện tử còn có nhiều mã giảm giá, miễn phí giao hàng, thu hút nhiều khách hàng. "Thương mại điện tử là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kinh doanh của tôi, đặc biệt là từ khi Covid-19 bùng phát. Đại dịch khiến hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi. Mọi người mua sắm trực tuyến nhiều hơn, thương mại điện tử nhờ đó phát triển mạnh hơn", anh Vinh chia sẻ.
Trong khi nhiều doanh nghiệp bị trì trệ vì dịch bệnh, Midori lại tăng trưởng tốt nhờ gian hàng trên thương mại điện tử. Quý III vừa qua, doanh thu của thương hiệu tăng trưởng 100% so với quý II trước đó. Trung bình, mỗi ngày, gian hàng của anh xuất khoảng 500-700 đơn hàng. Vào những đợt có chương trình lễ hội mua sắm, gian hàng có thể đáp ứng 5.000-7.000 đơn. Doanh thu cũng tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Tháng cao điểm, doanh thu của gian hàng có thể đạt gần 1,5 tỷ đồng.
Theo ông chủ thương hiệu thời trang Midori, tích cực tham gia các chương trình lễ hội mua sắm trên thương mại điện tử không chỉ giúp nhà bán hàng tăng doanh thu mà còn để tiếp cận được với nhiều nguồn khách hàng. Lễ hội mua sắm "11.11- Một Ngày Sale To" trên Lazada, đã giúp các nhà bán hàng bứt phá sau quãng thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. "Tôi cũng đang gấp rút chuẩn bị hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng cho mùa mua sắm cuối năm sắp đến", anh Vinh chia sẻ. Riêng trong ngày 11/11 vừa qua, gian hàng của anh Vinh có tới 4.000 đơn. Doanh thu một ngày này cũng gấp 3 lần so với lễ hội mua sắm đợt 10./10 (kéo dài 3 ngày). Anh Vinh cho rằng, kết quả này đến từ chiến lược kéo truy cập từ các nền tảng website, mạng xã hội về gian hàng Lazada và tận dụng tốt nguồn lực của sàn.
Trong đợt lễ hội 11/11 vừa qua, doanh thu và số đơn đặt hàng trên Lazada tăng gần gấp 2 lần; số lượng thương hiệu, nhà bán hàng tham gia cũng tăng gấp 1,5 lần so với lễ hội mua sắm 11/11 năm ngoái. Song song đó, các hoạt động xuyên suốt mùa Lễ hội mua sắm 11.11 trên kênh LazLive giúp doanh thu từ kênh này tăng gấp 7 lần; số lượng nhà bán hàng tham gia tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đại diện nền tảng thương mại điện tử, đây là động lực lớn cho các thương hiệu, nhà bán hàng trên Lazada tích cực chuẩn bị cho dịp lễ hội mua sắm cuối năm sắp tới.
Từ nay đến cuối năm, các sàn thương mại điện tử sẽ tổ chức loạt lễ hội hội mua sắm với nhiều ưu đãi nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng trực tuyến, cũng như thúc đẩy các thương hiệu đối tác và nhà bán hàng kinh doanh hiệu quả hơn sau ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần 4.
Huyền Anh