Các cuộc thảo luận diễn ra ngày 14/1 tại một khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Davos, phía đông Thụy Sĩ, được đồng chủ trì bởi Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis.
"Mục đích là chuẩn bị để chúng tôi sẵn sàng khởi động một tiến trình với Nga khi thời điểm đến", ông Cassis nói.
Ngoại trưởng Thụy Sĩ cho biết các cuộc đàm phán phải tìm cách thuyết phục Nga tham gia vào tiến trình, nhưng cho đến nay, cả Kiev và Moskva đều chưa sẵn sàng thực hiện một bước đi như vậy.
"Chúng ta sẽ cần tìm một con đường để Nga đồng hành cùng tiến trình này. Sẽ không có hòa bình nếu Nga không lên tiếng", ông cho hay. "Nhưng không có nghĩa rằng chúng ta nên chán nản và ngồi một chỗ chờ Nga làm điều gì đó. Mỗi phút chúng ta chờ đợi, hàng chục thường dân ở Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương. Chúng ta không thể chờ đợi mãi mãi".
Theo Ngoại trưởng Cassis, thay vì các nhóm như G7, G20 hay Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lập trường riêng hoặc làm việc thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "vốn quá phân cực", "ở đây chúng tôi cố gắng nói chuyện cùng nhau" và tìm ra ngôn ngữ chung.
Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, những nước là thành viên nhóm BRICS bên cạnh Nga, cũng tham gia các cuộc thảo luận. Ngoại trưởng Cassis nhấn mạnh sự góp mặt của ba nước này rất quan trọng vì họ hiện vẫn đối thoại với Nga, do đó vẫn giữ được mức độ tin cậy nhất định.
Ba cuộc họp cấp cố vấn an ninh quốc gia trước đây đã được tổ chức, tại Copenhagen vào tháng 6/2023, Jeddah vào tháng 8 và Malta vào tháng 10.
Các cuộc thảo luận ở Davos đặc biệt tập trung vào các tiêu chí nhằm chấm dứt tình trạng thù địch, việc Nga rút quân và ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa.
Ngoại trưởng Cassis cho biết đây có thể là cuộc họp cuối cùng theo hình thức cố vấn an ninh quốc gia nhưng vẫn có khả năng diễn ra một cuộc họp cấp cao hơn. Theo ông, quá trình này nhằm mục đích tìm ra cách tiếp cận chung về các biện pháp hòa bình để áp dụng cho những cuộc xung đột khác.
Vũ Hoàng (Theo AFP)