Nelson Pratt. |
Pratt cho rằng một số nhà cung cấp (không nêu tên) đang tìm mọi cách tạo ra sự lo ngại ở các doanh nghiệp thông qua việc tuyên truyền rằng Linux không có đủ sự hỗ trợ cần thiết khi khai thác ở doanh nghiệp. Có nhiều kẻ thù của Linux đang thổi phồng lên những lo ngại về độ ổn định và khả năng cung cấp dịch vụ của một số hãng phát triển phần mềm mã mở. Tuy nhiên, chất lượng và sự hỗ trợ của Linux hoàn toàn tương đương với của bất cứ nhà cung cấp Unix lớn nào, Pratt phát biểu. Linux được một số hãng phân tích thị trường dự báo sẽ trở thành ngành kinh doanh trị giá 36 tỷ USD vào năm 2008 và trên 1/4 tổng số server xuất xưởng sẽ dùng hệ điều hành này.
Chẳng có gì ngạc nhiên gì khi doanh thu lại cao đến vậy. Ngày càng có nhiều tổ chức thương mại chọn dùng Linux đồng bộ thay vì tải và triển khai nó một cách lẻ tẻ, Pratt nói. Hệ điều hành này đã được coi là một giải pháp doanh nghiệp và nhiều tập đoàn lớn như Computer Associates, HP, IBM và Dell đều hỗ trợ triển khai Linux.
Pratt nhấn mạnh rằng độ bảo mật của Linux hoàn toàn phù hợp với mục đích sử dụng ở cấp doanh nghiệp: Linux hoàn toàn là một hệ điều hành có an ninh tốt vì nó không bị nhiều nguy cơ tấn công như những sản phẩm khác. Lõi Linux 2.6 là một bước tiến lớn về tính năng an ninh và độ tin cậy.
Pratt bác bỏ một nghiên cứu công bố tại Mỹ gần đây cho rằng, xét về thời gian vá lỗi an ninh thì Linux kém an toàn hơn Windows. Không phải mọi bản nâng cấp cho hệ điều hành đều là để đối phó với một lỗ hổng an ninh. Các đối thủ của Linux nói rằng vấn đề vá lỗi phản ánh độ bảo mật của một hệ điều hành nhưng thực ra đó là dụng ý của họ khi nói như vậy. Họ bảo rằng có nhiều bản vá lỗi mới là an ninh tốt còn Linux thì kém an toàn vì không có nhiều chương trình update. Nếu đặt vấn đề như vậy thì hoàn toàn chỉ là bề ngoài.
Một khía cạnh khác mà Pratt phản bác là ý kiến cho rằng các quy trình phát triển phân tán của Linux đã dẫn đến việc không có một công ty nào đứng ra chịu trách nhiệm về nền điều hành này. Thật vô lý khi nói rằng không ai sở hữu Linux và chịu trách nhiệm về nó. Linux có một quy trình phát triển tương tự như bất kỳ một hệ điều hành doanh nghiệp nào, Pratt nói. Có tới hàng trăm nhà phát triển lõi hệ điều hành chuyên nghiệp, làm việc full-time. Sự phân công công đoạn xây dựng lõi và các hệ thống phụ trợ cũng rất rõ ràng và chuyên nghiệp. Mọi yêu cầu thay đổi, cải tiến của các khách hàng doanh nghiệp đều được tiếp nhận nghiêm túc, mặc dù kẻ thù của Linux có thể nói khác.
Quan chức của OSDL còn khẳng định những thống kê về thị phần hệ điều hành xuất xưởng cùng các sản phẩm server đang bị bóp méo. Vấn đề không phải là số lượng hệ điều hành cài trên server tung ra thị trường. Bạn cần phải nhìn vào tỷ lệ tái triển khai khi mà các doanh nghiệp đã mua server rồi mới cài Linux. Số lượng Linux được sử dụng trên thực tế đang bị cố tình đếm thấp đi vì mọi thống kê đều chỉ hướng vào mỗi số server cài sẵn hệ điều hành.
Để củng cố cho lập luận này, Pratt dẫn chứng một khảo sát gần đây của OSDL: gần như tất cả các doanh nghiệp đều mua server với một hệ điều hành cài sẵn sau đó về gỡ đi và cài lại bằng Linux. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu xem bao nhiêu doanh nghiệp đã gỡ bỏ Linux và cài Windows thì không ai trả lời có, Pratt cho biết.
Nói về việc Linux đang mở rộng ra ngoài vai trò truyền thống của một nền server web, Pratt phát biểu: Hãy nhìn vào Oracle và IBM. Oracle đang dùng Linux làm hệ điều hành ứng dụng điện toán lưới của họ. Điều này cho thấy có rất nhiều giải pháp xây dựng bên trên Linux, chứ không chỉ đơn thuần là Linux, Apache, MySQL hay PHP/Perl. Đó là sự kết hợp giữa mã mở và phần mềm bản quyền. Các nhà cung cấp phần mềm độc lập như Oracle, CA, SAP và IBM đều đang tung ra những giải pháp tổng hợp như vậy.
Khi mà các công ty phần mềm lớn bắt đầu triển khai nhiều ứng dụng hơn trên nền Linux, tất cả mọi nghi ngờ rằng Linux chỉ phù hợp với mỗi vai trò server web sẽ biến mất, Pratt nhấn mạnh. Tất nhiên, Linux cũng không phải là một liều thuốc chữa bách bệnh mà nó cần được triển khai một cách phù hợp với điều kiện thực tế.
Pratt tuyên bố OSDL không cố thần thánh hóa Linux: Chúng tôi không thổi phồng tính hữu dụng của Linux đối với những trường hợp mà việc triển khai thực tế là điều chưa cần thiết. Không phải tất cả các ứng dụng đều cần Linux, nhất là khi hệ điều hành này chưa sẵn sàng cho ứng dụng đó.
Phan Khương (theo LinuxInsider)