Khoảng 40 triệu người dùng Internet tại 6 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã tham gia mua sắm trực tuyến lần đầu trong năm nay. Điều này thúc đẩy tỷ lệ thâm nhập của Internet tại khu vực Đông Nam Á đạt con số đáng kể là 75%.
Nền kinh tế số Đông Nam Á tăng trưởng hai con số
Báo cáo của Google, Temasek Holding và Bain & Company công bố hồi đầu tháng 11, cũng dự đoán rằng, nền kinh tế số của sáu quốc gia trên có thể đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) ở mức 174 tỷ USD vào cuối năm 2021, tăng 49% so với 2020. Tương lai của nền kinh tế số khu vực này trong 4 năm tới tiếp tục duy trì sự khả quan.
Theo đó, GMV nền kinh tế Internet Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số và cán mốc 363 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, thương mại điện tử là động lực thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng, chiếm hơn phân nửa tổng giá trị GMV. Theo ông Stephanie Davis, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á của Google, thương mại điện tử sẽ vẫn là phân khúc lớn nhất của nền kinh tế Internet cho đến năm 2025 và hơn thế nữa.
Tiềm năng thị trường thương mại điện tử Việt Nam
Với quy mô 13 tỷ USD trong năm 2021, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, Google, Temasek và Bain & Co dự báo rằng, chỉ cần 4 năm nữa, tức vào năm 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD. Báo cáo này cũng xác nhận "vốn đầu tư tiếp tục tăng mạnh" vào Việt Nam, đặc biệt ở các dịch vụ kỹ thuật số tăng trưởng mạnh trong đại dịch, như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục. Trong tính toán của mình, Google và Temasek cho rằng, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2021-2025 là nhanh nhất khu vực, với 35%.
Có thể thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng tăng. Covid-19 cũng góp phần thúc đẩy hình thức này diễn ra mạnh mẽ hơn. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.
Lazada tăng trưởng bền vững với những dự đoán về xu hướng mua sắm
Không nằm ngoài vòng tăng tưởng này, báo cáo quý III năm 2021 của Lazada Việt Nam, cho thấy, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn thương mại điện tử để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày trong giai đoạn giãn cách xã hội của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4. Cụ thể, lượng khách hàng truy cập hàng ngày, số lượng đơn hàng và số lượng khách mua hàng trên Lazada đều tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, số lượng nhà bán hàng tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử này cũng tăng hơn gấp 1,5 so với cùng kỳ. "Thói quen mua sắm trực tuyến được hình thành và phát huy trong giai đoạn giãn cách sẽ tiếp tục được duy trì trong trạng thái bình thường mới", báo cáo này nhận định.
Là đơn vị trực thuộc, Lazada Việt Nam cũng góp phần quan trọng vào tăng trưởng của Lazada Đông Nam Á thời gian qua. Đơn đặt hàng tại Lazada Đông Nam Á trong quý II đã tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp vào tăng trưởng doanh thu của Lazada Group là 34%, người tiêu dùng tích cực hàng năm là 285 triệu người.
Bên cạnh đó, nền tảng thương mại điện tử này cũng ghi nhận và đưa ra những dự đoán về xu hướng mua sắm mới của người dân Việt Nam sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Theo đó, sau khoảng thời gian trở nên quen thuộc với mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng ngày càng trở nên thuần thục và hướng đến việc chi tiêu hiệu quả, thông minh thông qua việc lựa chọn mua hàng vào các dịp Lễ hội mua sắm lớn. Các ngành hàng bách hóa, điện tử, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt và người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ.
Sự phát triển về số lượng người dùng thương mại điện tử cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ở Việt Nam nói riêng và các nước khu vực nói chung ngày càng gia tăng. Nền tảng thương mại điện tử đã góp phần mở ra cơ hội mua sắm phong phú, đa dạng cho những người sống ở các thành phố nhỏ, phụ cận và cả khu vực nông thôn; kết nối người tiêu dùng trẻ và sống tại những vùng ven đô đến với nhiều thương hiệu quốc tế. Đây chính là cơ hội, lợi thế để nhà bán hàng, doanh nghiệp bán lẻ tập trung vào thị trường đầy tiềm năng này.
Huyền Anh