Thể thao
Thứ hai, 12/8/2024, 16:04 (GMT+7)

8 sự việc gây tranh cãi ở Olympic Paris 2024

Giới tính của hai nữ võ sĩ quyền Anh, sông Seine ô nhiễm, kình ngư Italy ngủ ngoài công viên, trận ra quân thất bại của đội bóng đá nam Argentina ... là những sự kiện gây tranh cãi nhất tại Olympic Paris 2024.

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 là phần mở màn gây tranh cãi bậc nhất lịch sử, với những yếu tố bị cho là “xúc phạm tôn giáo” và “vượt giới hạn đạo đức”. Trong đó có đoạn ba vũ công mặc trang phục sặc sỡ, hôn và ôm nhau, sau đó một vũ công làm động tác đóng cửa.

Phần trình diễn cuối cùng mô phỏng bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng” của Leonardo da Vinci, bị nhiều người theo đạo Thiên chúa lên án. Bức tranh của Leonardo gồm 13 người, khắc họa bữa ăn cuối của Chúa Jesus với các tông đồ trước khi Chúa bị đóng đinh. Còn tiết mục ở Olympic có khoảng 20 vũ công, trong đó có những người chuyển giới trình diễn, thể hiện không khí hân hoan hội hè. Đồng thời, phần trình diễn được cho nhằm tôn vinh lễ hội và rượu nho của Pháp.

Tuy nhiên, trước chỉ trích trên khắp thế giới, Ban tổ chức Olympic Paris 2024 vẫn phải lên tiếng xin lỗi.

Video lễ khai mạc Olympic 2024 bị xóa
 
 

Những phần trình diễn gây tranh cãi ở lễ khai mạc Olympic Paris 2024.

Sông Seine trở thành địa điểm thi đấu gây tranh cãi bậc nhất lịch sử Olympic, sau khi Pháp chọn con sông làm nơi khai mạc, tổ chức thi bơi của triathlon và bơi marathon 20km.

Pháp chi khoảng 1,5 tỷ USD để làm sạch con sông cho Olympic. Nhưng hai ngày mưa lớn đợt khai mạc khiến chất lượng nước suy giảm, gia tăng vi khuẩn như E.coli - gây nhiễm trùng đường ruột. Các VĐV không thể tập luyện, thậm chí nội dung triathlon cá nhân nam cũng phải hoãn một ngày.

Hình ảnh một số VĐV nôn ói hay phải nhập viện khiến nỗ lực của chủ nhà Pháp với sông Seine đã không đạt như ý muốn. Sau đó, VĐV và đại diện các đoàn thể thao lên tiếng phủ nhận nguyên nhân do nước sông, nhưng vẫn không làm thay đổi định kiến của một bộ phận khán giả.

Kình ngư Italy Thomas Ceccon ngủ tại công viên, còn gây chú ý nhiều hơn cả việc anh vừa giành HC vàng 100m bơi ngửa nam. Hình ảnh do VĐV chèo thuyền Arab Saudi Husein Alireza chụp lại đã nhanh chóng lan truyền. Sau đó, Ceccon giải thích rằng anh bị khó ngủ do làng VĐV không có điều hoà, trong khi trời nóng và đồ ăn thì không hợp khẩu vị.

Hình ảnh và phát biểu của Ceccon là minh chứng cho những phàn nàn về việc ăn, ở của VĐV tại Olympic 2024. Ban tổ chức hướng tới kỳ Thế vận hội “xanh nhất” bằng việc giảm lượng khí thải carbon, nên họ không lắp điều hoà trong làng VĐV và đưa nhiều thực phẩm chay vào thực đơn là những biện pháp tiêu biểu. Tuy nhiên, mọi thứ không như kỳ vọng.

Chủ nhà Pháp sau đó chữa cháy bằng cách cho các đoàn thể thao thuê điều hoà di động, nhưng không phải đoàn nào cũng sẵn sàng ngân sách chi cho việc này. Một số đội tuyển thì chọn ra ngoài làng VĐV để thuê khách sạn. Chuyện ăn uống thì được giải quyết nhanh hơn khi tăng nguồn cung các thực phẩm giàu protein như các loại thịt và trứng.

Trận Argentina thua Morocco 1-2 mở màn môn bóng đá nam, tạo nên một trong những sự cố hy hữu nhất lịch sử Olympic. Sự việc mở đầu bằng Argentina ghi bàn gỡ hoà 2-2 ở phút bù 16 hiệp hai. Ba phút sau, trọng tài thổi còi mãn cuộc khi thấy khán giả tràn xuống sân gây rối. Các nhà đài cũng ngừng chiếu trận đấu để chuyển sang trận tiếp theo giữa CH Dominica và Ai Cập.

Một tiếng rưỡi sau, khi các cầu thủ vẫn trong phòng thay đồ, ban tổ chức thông báo bàn thắng của Argentina bị huỷ vì việt vị. Không những vậy, cầu thủ đôi bên được thông báo ra khởi động để chơi nốt những phút cuối, khi khán giả đã về hết. Cuối cùng, Morocco thắng 2-1.

Sau đó, ban tổ chức giải thích rằng trọng tài chính muốn hai đội tiếp tục đá vì còn vài phút. Nhưng Argentina từ chối vì lý do an ninh. Ban tổ chức để hai đội vào phòng thay đồ, đồng thời thông báo cho khán giả ra về hết. Khi an ninh được đảm bảo, trận đấu tiếp tục diễn ra.

Vụ tranh chấp HC đồng thể dục dụng cụ giữa Mỹ và Romania vẫn chưa đến hồi kết. Ở chung kết thể dục tự do cá nhân nữ, với kết quả Rebeca Andrade (Brazil) giành HC vàng, xếp sau là Simone Biles (Mỹ), Ana Barbosu, Sabrina Voinea (Romania) và Jordan Chiles (Mỹ). Nhưng sau đó, Mỹ khiếu nại thành công để giúp Chiles vươn lên thứ ba. VĐV Mỹ thậm chí cầm huy chương ra Quảng trường Thời đại ở New York để vinh danh, vào ngày 8/8.

Hai ngày sau, Toà Trọng tài Thể thao (CAS) thông báo khiếu nại của Mỹ bị chậm bốn giây so với quy định một phút, nên không được chấp thuận. Khi ấy, kết quả của Chiles xuống thứ năm, còn Barbosu lên thứ ba. Đến ngày 11/8, Uỷ ban Olympic quốc tế thông báo Chiles phải trả HC đồng.

Tuy nhiên, phía Mỹ tiếp tục gửi bằng chứng lên CAS, khẳng định đã gửi khiếu nại trong 55 giây. Mỹ không cung cấp bằng chứng ngay phiên toà đầu tiên, do chưa tiếp cận được video. Quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào phán quyết của CAS.

Hai VĐV bị bắt giữ liên quan đến ma tuý và tấn công tình dục trong thời gian dự Olympic Paris 2024.

VĐV khúc côn cầu Australia Tom Craig (trái) bị bắt giữ vì cố gắng mua cocaine khi đang giao dịch ở trung tâm Paris vào đêm 8/8. Sau đó, VĐV 28 tuổi phải xin lỗi, tự nhận đã phạm sai lầm khủng khiếp và hành động không phản ánh các giá trị của thể thao Australia. Uỷ ban Olympic Australia sau đó đã chuyển Craig khỏi làng VĐV và tước tư cách thi đấu tại Thế vận hội.

Trong khi đó, Uỷ ban Olympic Ai Cập cho biết đô vật Mohamed Ibrahim El-Sayed bị bắt vì cáo buộc tấn công tình dục. HC đồng Tokyo 2020 bị cáo buộc sờ mó một phụ nữ từ phía sau bên ngoài một quán cà phê tại Paris. Phía Ai Cập cho biết El-Sayed phỉa đối mặt với các hình thức kỷ luật, bao gồm cấm tham gia thi đấu trong nước và quốc tế.

Kình ngư Luana Alonso bị Paraguay trục xuất khỏi làng VĐV Olympic, với cáo buộc tạo ra “sự xao nhãng và môi trường không phù hợp” cho đội tuyển. VĐV 20 tuổi kết thúc với vị trí thứ sau tại bán kết bơi 100m bướm. Sau đó, cô được cho là đã đi tham quan Paris, bao gồm Disneyland, trong khi chưa được cho phép dẫn đến phải rời làng VĐV.

Tuy nhiên, trong một bài đăng trên Instagram cá nhân, Alonso khẳng định chưa bao giờ bị đuổi hay trục xuất khỏi làng VĐV. “Xin hãy ngừng lan truyền thông tin sai lệch”, Alonso viết. Chưa dừng lại ở đó, kình ngư Paraguay tiếp tục tạo sự chú ý khi nói rằng siêu sao bóng đá Neymar đã gửi tin nhắn riêng, sau khi xem một bức ảnh của cô trên Instagram.

Luana Alonso có hơn 800.000 lượt theo dõi trên Instagram nhờ vóc dáng khoẻ khắn và gương mặt xinh đẹp. Cô được cho là tận dụng thời gian ở Paris 2024 để câu thêm tương tác.

Hiếu Lương

Ảnh: AP, Reuters