*Ghi bàn: Simeone 68' - Rahimi 45'+2, pen 51
Hiệp hai có 15 phút bù và Argentina đưa được bóng vào lưới Morocco ở phút bù thứ 16. Trong pha bóng hỗn loạn, tiền vệ Cristian Medina ập vào đánh đầu cận thành ấn định tỷ số hòa 2-2. Ngay sau bàn thắng, nhiều khán giả Morocco tràn xuống sân, hoặc ném vật thể lạ về phía các cầu thủ Argentina. Lực lượng chống bạo động được huy động vào sân, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Trọng tài Thụy Điển Glenn Nyberg định cho trận đấu tiếp tục, nhưng thấy tình hình hỗn loạn, thổi còi mãn cuộc sau bàn của Medina. Trong lúc cầu thủ bắt tay nhau, pháo sáng và chai lọ tiếp tục được ném xuống sân. Hai đội vì thế gấp rút di chuyển vào đường hầm để đảm bảo an toàn.
Trận đấu trên sân Geoffroy-Guichard tưởng như khép lại với tỷ số hòa 2-2, nhưng VAR vào cuộc kín. Sau đó, ban tổ chức Olympic bất ngờ thông báo bàn thắng của Medina không được công nhận, do Bruno Amione việt vị khi tham gia tình huống tấn công.
Sau gần hai tiếng tạm dừng, trận đấu được tiếp tục trở lại và trọng tài yêu cầu hai đội vào sân đá thêm ba phút bù giờ, trong tình trạng không khán giả. Morocco bảo toàn được lợi thế và kết thúc trận đấu với thắng lợi 2-1.
Trước đó, tổ trọng tài cũng gây tranh cãi khi cho hiệp hai được bù tới 15 phút, giữa lúc Argentina bị dẫn bàn. Theo tờ L'Equipe, số phút bù cao vì nhiều CĐV quá khích chạy xuống sân làm gián đoạn trận đấu. Tờ ESPN bình luận về màn "sửa" tỷ số của ban tổ chức là nghiệp dư, đáng xấu hổ và chưa có tiền lệ trong lịch sử. "Khởi đầu đáng buồn cho Olympic dù lễ khai mạc chưa diễn ra", bài viết của ESPN có đoạn.
Trong 90 phút thi đấu chính thức và 15 phút bù, trận đấu được báo Anh Daily Mail nhận xét là "kịch tính như chung kết, chứ không phải vòng bảng".
Chơi trên sân trung lập, nhưng có cảm giác Argentina phải làm khách trước Morocco. Khán đài sân Geoffroy-Guichard ngập tràn sắc đỏ truyền thống của đại diện châu Phi, khi Pháp có khoảng hơn 1,5 triệu người Morocco đang sinh sống. CĐV Argentina không đông hơn, nhưng cũng có những cậu bé chạy xuống xin chụp hình cùng Julian Alvarez giữa trận đấu. Khán giả hai đội đều để lại những hình ảnh không đẹp, như việc đốt pháo sáng, ném chai lọ xuống sân hay tấn công cầu thủ.
Khi quốc thiều Argentina vang lên, khán đài cũng xuất hiện nhiều tiếng huýt sáo la ó. Người Morocco, có thể cả Pháp, đều không hài lòng với vụ bị coi là phân biệt chủng tộc của Enzo Fernandez từ hôm 14/7, làm dậy sóng giới túc cầu. Chính HLV Javier Mascherano đã lên tiếng bênh vực Fernandez, khiến ông cũng phải nhận những tiếng huýt sáo từ khán giả ở Saint-Etienne.
Tiền đạo Soufiane Rahimi rực sáng với cú đúp, ở cuối hiệp một và đầu hiệp hai, cho Morocco. Rahimi 28 tuổi, là cầu thủ hay nhất AFC Champions League mùa trước, khi anh ghi tới 9 bàn ở vòng knock-out, loại Al Nassr lẫn Al Hilal khỏi giải. Lần này anh tiếp tục trở thành ác mộng với Argentina.
Sau khi dẫn hai bàn, Morocco lại chơi chùng xuống, lùi sâu phòng ngự, dường như vì xuống sức. Argentina không dứt điểm cầu môn lần nào cho đến khi bị dẫn hai bàn, nhưng họ rút ngắn tỷ số ở phút 68, với pha đệm bóng cận thành của tiền đạo Giuliano Simeone - con trai HLV Diego Simeone.
Trận đấu bắt đầu hỗn loạn kể từ đó, khi trọng tài Nyberg phải rút tới tám thẻ vàng. An ninh trận đấu cũng không được đảm bảo, với khoảng bốn lần khán giả kéo xuống sân làm loạn. Pha làm bàn của Medina ở phút bù cuối ban đầu được coi là xứng đáng với nỗ lực của Argentina trong hiệp hai, và tưởng chừng giúp đại diện Nam Mỹ thoát thua. Nhưng sau hai tiếng tạm dừng, hai đội trở lại sân đá thêm ba phút trong cảnh không khán giả, rồi trận đấu kết thúc với phần thắng 2-1 cho Morocco.
Cuộc đọ sức bắt đầu vào lúc 15h, theo giờ Paris nhưng tới tận 19h07 mới chính thức kết thúc. Siêu sao Lionel Messi, sau khi theo dõi trận đấu từ Mỹ, viết lên mạng xã hội Instagram hai chữ "kỳ quái".
Morocco giành ba điểm đầu tay ở bảng B, nhưng đối mặt với án phạt nặng do để khán giả phá rối. Argentina còn cơ hội sửa sai khi gặp Iraq và Ukraine ở hai trận còn lại vòng bảng, ngày 27/7 và 30/7.
Xuân Bình