Phát hiện khối u ở sườn phải, sủi bụng nhiều ngày kèm đi ngoài phân lỏng, bà Thanh 59 tuổi ở Yên Sơn, Tuyên Quang đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám. Nội soi đường tiêu hóa, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư đại tràng và chỉ định phẫu thuật. Sau mổ, bệnh nhân đang được điều trị hóa chất tại viện.
Ung thư đại trực tràng từ lâu đã trở thành nỗi sợ hãi của cả gia đình bà Thanh. Nhiều năm qua, các anh chị em trong gia đình bà liên tục nhận "án tử" bởi căn bệnh này. Mẹ ruột của bà Thanh qua đời ở tuổi 68 vì ung thư đại tràng nhiều năm trước. Hiện tại, ngoài bà Thanh, trong gia đình còn có em trai, em gái cũng đang điều trị bệnh này.
Bà Thanh kể, em gái bà phát hiện ung thư đại tràng hai năm trước, đã mổ hai lần và hóa trị, hiện sức khỏe tạm ổn định. Không lâu sau đó, em trai ruột của bà Thanh cũng bắt đầu gầy yếu, da xanh, vàng, không đi khám sức khỏe. Tình trạng này kéo dài khoảng 3 năm, đến khi sức khỏe quá yếu, đi khám mới phát hiện mắc ung thư đại tràng. Ông nhập điều trị tích cực, hiện sức khỏe đã ổn định.
Bác ruột của bà Thanh (anh trai của mẹ) qua đời vì ung thư đại trực tràng. Trong số 6 con trai của ông, có 3 người mắc căn bệnh này.
Theo bác sĩ Tẩn A Pao, 8 người nhà bà Thanh bị ung thư đại tràng có tính chất di truyền gia đình. Bà được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nên việc điều trị dễ dàng hơn.
Ung thư đại trực tràng là ung thư đường tiêu hóa thường gặp, nằm trong nhóm ung thư hàng đầu của người châu Á. Nguyên nhân chủ yếu do dinh dưỡng, các thương tổn tiền ung thư và yếu tố di truyền.
Ung thư đại trực tràng
Theo bác sĩ, triệu chứng lâm sàng của ung thư đại trực tràng bao gồm:
- Rối loạn lưu thông ruột: Đây là dấu hiệu sớm, báo động ung thư nhưng hay bị bỏ qua. Sớm nhất có thể chỉ là những thay đổi của thói quen đại tiện, thay đổi giờ giấc đi ngoài, số lần đi ngoài có thể vài lần đến hàng chục lần trong ngày. Bệnh nhân có khi táo bón. Bị đi ngoài phân lỏng hoặc xen kẽ táo bón và đi ngoài phân lỏng.
- Đi ngoài nhầy máu: Đây là triệu chứng hay gặp nhất của ung thư đại trực tràng. Bệnh nhân có thể đi ngoài ra máu đỏ tươi hoặc máu cá, từng đợt hoặc kéo dài. Dấu hiệu đi ngoài ra máu có thể nhầm sang bệnh lỵ hoặc viêm đại trực tràng, trĩ.
- Đau vùng hạ vị, buồn đi ngoài, cảm giác đi ngoài không hết phân… là những dấu hiệu hay gặp.
- Hội chứng đại tiện lỏng: Hay gặp với ung thư đại tràng phải, trong khi hội chứng táo bón tắc ruột gặp ở đại tràng trái.
- Thay đổi khuôn phân: Phân có thể bị dẹt, vẹt góc hoặc có những rãnh, những vết trên khuôn phân được tạo ra do khối u ở trực tràng.
- Thiếu máu: Bệnh nhân bị mất máu do chảy máu trực tràng kéo dài, da xanh, niêm mạc nhợt, xét nghiệm thấy giảm hồng cầu, huyết sắc tố.
- Suy nhược: Bệnh nhân có thể gầy sút 5-10 kg trong vòng 2-4 tháng. Bệnh tiến triển nhanh làm suy mòn cơ thể.
Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa chất, tia xạ. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất, với hai phương pháp chính là mổ mở truyền thống và phẫu thuật nội soi.
Bác sĩ khuyến cáo, việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm ung thư đại trực tràng là cách tốt nhất bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, mọi người cần thay đổi thói quen ăn uống, tạo thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ, nội soi dạ dày, đại tràng 6 tháng một lần, tập thể dục đều đặn và xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Lê Quyên