Trang CNN vừa liệt kê 8 lễ hội bắn pháo hoa thường niên đáng sợ nhất thế giới.
Lễ hội pháo hoa Yanshui, Đài Loan (Trung Quốc)
Diễn ra vào tháng 1, lễ hội mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới của người Đài Loan. Người dân nơi đây tin rằng số tia lửa bắn trúng người sẽ tỷ lệ thuận với may mắn bạn nhận được trong năm. Mỗi năm, lễ hội này thu hút hàng triệu người dân bản địa và du khách.
Lễ hội pháo hoa quốc gia, Mexico
Lễ hội pháo hoa này bắt đầu vào ngày kỷ niệm thánh Gioan (2/4) - thần hộ mệnh cho các nhà sản xuất pháo, ở thành phố Tultepec, nơi sản xuất 50% số lượng pháo hoa trên toàn Mexico. Ý nghĩa của lễ hội này là giữ gìn truyền thống sản xuất, sử dụng pháo hoa của người dân.
Lễ hội tên lửa, Thái Lan
Lễ hội tên lửa thường được tổ chức trên khắp miền đông bắc Thái Lan (Isaan), từ tháng 4 đến tháng 6, nhưng lớn nhất và "nổi loạn" nhất là các sự kiện ở thị trấn Yasothon. Người ta tin rằng bắn quả tên tự chế lên trời sẽ đảm bảo cho thời tiết thuận hòa và vụ mùa bội thu.
Lễ hội Festa Del Saccorso, Italy
Lễ hội Festa Del Soccorso được tổ chức ở thành phố San Severo, tỉnh Foggia, vùng Puglia., Italy vào tháng 5.
Mọi người hào hứng, vui vẻ chạy dọc con phố nhỏ khi pháo hoa nổ đến. Dù điều này nguy hiểm nhưng người dân ở đây cho rằng mạo hiểm và chịu đựng rủi ro là một nét văn hóa tuyệt vời.
Lễ hội Gion, Nhật Bản
Để tỏ lòng thành kính đối với các vị thần và cầu may mắn, người Nhật Bản tổ chức lễ hội bắn pháo hoa bằng tay vào tháng 7 hàng năm. Lễ hội được tổ chức tại đền Yasaka-jinja, Kyoto, bắt đầu từ hơn 1.000 năm trước, là một trong những lễ hội lớn nhất ở Nhật Bản.
Lễ hội Ánh sáng Diwali, Ấn Độ
Diwali hay Deepavali là một trong những lễ hội tôn giáo quan trọng nhất của người Hindu, cũng như một phần trong văn hóa của Ấn Độ, Nepal, Singapore, diễn ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.
Lễ hội này có nguồn gốc từ thời Ấn Độ cổ đại. Một số người tin lễ hội là để kỷ niệm sự trở lại của đấng Rama cùng vợ và anh trai Lakshmana sau 14 năm lưu vong. Theo truyền thuyết, đấng Rama bị tước đoạt quyền lên ngôi hợp pháp và bị trục xuất đến sống ở khu rừng bởi người mẹ kế. Số khác cho rằng Deepavali diễn ra để kỷ niệm chiến thắng của đấng Krishna trước bạo chúa Narakasura. Chiến thắng của ông tượng trưng cho cái thiện đánh bại cái ác, ánh sáng chiến thắng bóng tối.
Lễ hội Rouketopolemos, Hy Lạp
"Pháo hoa đại chiến" diễn ra vào dịp lễ Phục sinh, thắp sáng rực rỡ cả bầu trời Hy Lạp. Trong 125 năm qua, lễ hội này được coi là cuộc chiến giữa hai nhà thờ Agios Markos và Panagia Erithiani ở Vrontados. Hàng trăm quả pháo được bắn ra, bay qua tháp chuông nhà thờ Panagia Erithiani và lao xuống dưới sự háo hức của người dân và du khách.
Lễ hội khinh khí cầu Taunggyi, Myanmar
Được tổ chức vào tháng 11 hàng năm, sự kiện này được coi là một trong những lễ hội đẹp và nguy hiểm bậc nhất châu Á. Lễ hội được tổ chức ở trung tâm thành phố Taunggyi. Khinh khí cầu được đưa lên cao 7.600 m. Đôi khi quả khinh khí cầu xảy ra sự cố gây ra tai nạn cho người tham gia đứng bên dưới.