-
17h30
167 công nhân đang băng rừng về nhà máy
Theo một số công nhân, việc nước sông rút xuống thấp so với những ngày trước đã giúp việc thiết lập ròng rọc dễ hơn. "Ban đầu, chúng tôi lập ròng rọc để đưa đồ ăn tiếp tế cho số công nhân bên trong, tuy nhiên, sáng nay thấy thời tiết ổn nên quyết định đưa người qua", anh Phúc, công nhân thuỷ điện Đăk Mil 2 tham gia cứu hộ nói.
Hiện vẫn còn 167 người ở khu nhà máy đập chính đang cắt rừng về nhà máy điều hành để qua sông bằng ròng rọc này. "Họ mới đi từ sáng nhưng đến chiều vẫn chưa tới, chúng tôi vẫn túc trực để ứng cứu kịp thời", anh Phúc nói thêm.
-
15h40
Ba học sinh tiểu học nằm trong số người mất tích
"Có ba học sinh tiểu học mất tích trong vụ sạt lở đất ở Phước Lộc (Phước Sơn). Hướng Nam Trà My, xã Trà Vân có 4 em, Trà Leng chưa xác định được nhưng chắc chắn có học sinh", ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam nghẹn giọng khi trao đổi chiều 30/10.
Ông cùng các thầy cô giáo đang trên đường vào hiện trường vụ sạt lở đất vùi lấp 11 người ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. "Trước mắt xem tình hình, sau là hỗ trợ học trò và thầy cô giáo. Đường sạt lở, đoàn người phải đi bộ và chưa vào được hiện trường", ông Quốc nói..
-
14h30
Dùng trực thăng tiếp tế lương thực cho hai xã bị cô lập
Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5, cho biết trên hướng Phước Sơn vẫn sử dụng lực lượng tại chỗ là chủ yếu vì lực lượng cơ động đi bộ vào sạt ở, đường sông nước lớn, di chuyển khó khăn. Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam cũng đã yêu cầu bay trực thăng vào những khu vực còn cô lập, thả hàng tiếp tế cho người dân. Nguy cơ sạt lở đất hiện nay là rất lớn, qua cơn bão số 9 và bão số 10 sắp đổ bộ thì nguy cơ sạt lở đất đá trên địa bàn quân khu 5 là rất lớn. Thiếu tướng nhận định, "vừa qua một số làng đã kịp thời di dời trước khi bị sạt lở đất nên giảm bớt được thiệt hại".
-
14h00
"Phải mất một tuần mới vào được hiện trường sạt đất"
Lực lượng tại chỗ xã Phước Lộc đã tìm kiếm và chôn cất 5 thi thể. Số lượng đất đá vùi lấp rất lớn, việc tìm kiếm thủ công bằng cuốc xẻng không hiệu quả, cần đưa phương tiện, máy múc vào hiện trường. Trong khi đó, tuyến đường DH3 dẫn vào Phước Lộc vẫn sạt lở nặng, nước sông chảy siết, mũi cứu hộ từ ngoài vào chưa thể đi tiếp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính tỉnh Quảng Nam cho biết, lực lượng chức năng nhận định để vào được đến Phước Lộc phải mất một tuần nếu trời không mưa, nếu trời mưa thì còn kéo dài hơn, nguy cơ sạt lở cao.
Về phương án đảm bảo lương thực cho người dân xã Phước Lộc đang bị chia cắt, ông Hà thông tin hiện tại trong dân còn 4 tấn gạo. Huyện Phước Sơn đang lên phương án vận chuyển lương thực vào tiếp tế. -
13h30
50 công nhân đã được đưa ra ngoài
50 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 đã được đưa qua sông bằng cáp treo, dự kiến đến tối sẽ đưa ra ngoài khoảng 100 công nhân. Hiện tại công nhân không thể lội qua sông do nước chảy xiết. Phương án sử dụng máy bay không thực hiện được.
Theo báo cáo của lãnh đạo thủy điện Đăk Mi 2, nhà máy đã liên lạc được tất cả các công nhân. Khu vực đập chính còn 80 công nhân, sẽ cơ động ra 10 người. 70 công nhân sẽ ở lại để vận hành nhà máy.
Lương thực cũng được tiếp tế để đảm bảo đủ một tuần cho công nhân.
-
12h40
Tạo hai ròng rọc để đưa công nhân ra ngoài
Lực lượng chức năng và nhà máy thủy điện đã tạo 2 cáp treo ròng rọc để đưa nhóm công nhân đầu tiên qua sông ra ngoài. Hiện có hơn 20 công nhân được đưa ra ngoài bằng cách này.
-
12h30
100 người thuộc lực lượng tại chỗ tìm kiếm 8 nạn nhân mất tích
Khoảng 100 người là lực lượng tại chỗ tham gia tìm kiếm 8 người đang mất tích tại hai điểm sạt lở. Phương án đưa người từ xã Phước Thành sang xã Phước Lộc chưa thể thực hiện được do nhiều đoạn bị sạt lở, đường bị đứt. Hiện tại, xã Phước Thành, Phước Lộc đang bị cô lập.
-
12h00
Đã tiếp cận được một nhóm công nhân thủy điện Đăk Mi 2
Khoảng 12h, trời bắt đầu có mưa. Một số người dân ở xã Phước Lộc đã gùi xăng và thực phẩm vào khu vực có công nhân của thuỷ điện Đăk Mi 2, dùng xe cơ giới hỗ trợ mở đường để tiếp tế. Lực lượng cứu hộ đang khảo sát khu vực xã Phước Công để lập trạm chỉ huy tiền phương.
Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó tham mưu trưởng Quân khu 5 cho biết sẽ yêu cầu Kom Tum mở đường để tiếp cận xã Phước Lộc để tìm kiếm cứu nạn những nạn nhân mất tích.
Theo ông Nhạn, các đường tiếp cận vào khu vực bị nạn vô cùng khó khăn, nhiều điểm sạt lở, đường đứt gãy, không thể cơ động bằng đường bộ vào. Nếu không tiếp cận bằng đường bộ thì sẽ đề nghị sử dụng trực thăng đưa lương thực vào.
-
11h00
Mũi tiếp cận hiện trường hai vụ lở đất vùi lấp 13 người gặp khó
Sáng 30/10, UBND tỉnh Quảng Nam cùng Quân khu 5 đã họp bàn việc tiếp cận cứu hộ cứu nạn tại các xã bị cô lập ở huyện Phước Sơn. Đoàn có nhiệm vụ song song tìm kiếm 7 người mất tích ở xã Phước Lộc và hơn 200 công nhân Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 2 đang bị cô lập, trong đó 167 người mất liên lạc.
Mũi cứu hộ của chính quyền và quân đội đi theo đường bộ để tiếp cận khu vực sạt lở tìm 8 người ở xã Phước Lộc. Việc tìm kiếm được triển khai từ lúc 9h sáng. Tuy nhiên đi ôtô được khoảng 13 km thì đường bị sạt lở. Nhóm cứu hộ sau đó tăng bo xe máy vào trụ sở xã Phước Công, trên đường có nhiều điểm sạt lở, suối tràn nhằm tiếp cận xã Phước Lộc (cách đó khoảng 15 km).
Đến khoảng 11h, đoàn đi vào đến chân thuỷ điện Đăk Mi 2 (cách trụ sở xã Phước Công 3 km), thì phải dừng lại vì đường sạt lở, một số cây cầu bị gãy. Lực lượng cứu hộ sau đó chia nhóm về lại trụ sở xã Phước Công để đảm bảo an toàn.
Tại huyện Phước Sơn, một vụ sạt lở đất chiều 28/10 đã vùi lấp 11 người ở thôn 6, xã Phước Lộc. Đến nay 5 thi thể đã được lực lượng cứu hộ tại chỗ tìm thấy. Tại xã này còn có một vụ sạt lở đất đá khác hai cán bộ xã tử nạn trên đường giúp dân sơ tán, tránh lũ tại thôn 1, đến nay thi thể chưa được tìm thấy.
Võ Thạnh - Phước Tuấn - Tuấn Việt - Như Quỳnh - Nguyễn Đông