Hội trường UBND huyện Phước Sơn 7h sáng 30/10 hối hả với nhiều lực lượng họp bàn thành lập Sở chỉ huy tiền phương cứu hộ 2 điểm sạt lở, lũ quét tại xã Phước Lộc và hơn 200 công nhân thuỷ điện Đăk Mi 2 bị cô lập hai ngày nay.
Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó tham mưu trưởng Quân khu 5 cho biết, lực lượng trinh sát băng đường rừng báo về, hơn 50 km từ trung tâm huyện vào xã Phước Lộc có hàng chục điểm sạt lở, đặc biệt nhiều đoạn đường bị đứt gãy, muốn qua phải trườn theo sườn núi cheo leo, rất nguy hiểm.
Đường bộ lúc này tiếp cận vào xã vùng cao Phước Lộc lúc này là không thể nên việc huy động lực lượng tại chỗ tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở xã này được tính tới, trong đó có thể đưa người từ xã Phước Thành qua hỗ trợ, nhưng đoạn đường hai xã cũng bị chia cắt. Ngoài việc tìm kiếm 8 người còn mất tích, việc đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ và đưa lương thực, nước sạch vào với người dân các xã bị cô lập được ưu tiên tính toán.
"Hai mũi cứu hộ được triển khai song song, đoạn nào thông thì ta đi ôtô, khó khăn thì dùng xe máy tăng bo, cuối cùng thì lội bộ băng rừng để tiếp cận sớm nhất khu vực bị nạn. Tôi cũng đã đề xuất Kom Tum mở tuyến đường về Phước Lộc khi hai tuyến đường DH1 và DH2 chưa thể thông", đại tá Nhạn nói.
9h, việc tiếp cận của lực lượng cứu hộ gặp cản trở đầu tiên với đập tràn và các điểm sạt lở trên đường vào xã Phước Công. Đây là điểm xã gần với Phước Lộc nhất khi chỉ còn 15 km, tuy nhiên đoạn đường này bị sạt lở nghiêm trọng.
Để vào được nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 2, sau cuộc họp nhanh, lực lượng cứu hộ do ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Quảng Nam dẫn đầu cùng gần 20 người với các dụng cụ liên lạc chuyên dụng đã cắt rừng bằng đường bộ vào sâu bên trong xã Phước Lộc.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, hàng chục điểm sạt lở khiến tuyến đường tiếp cận nhà máy càng trở nên khó khăn. Hàng nghìn khối đất đá tràn xuống đường, lực lượng chức năng phải lội bùn, đu dây và trườn qua các khe đá để tiếp cận. Sau chừng 3 km, khu lán trại dựng bằng gỗ, lợp tôn bên sông Đăk Mi của các công nhân nhà máy hiện ra với bùn đất dính đặc quánh. Xe cẩu, ôtô bị đất đá vùn lấp. Một số nhóm công nhân từ khu vực nhà máy cùng nhau khiêng một số máy móc qua các điểm sạt lở ra ngoài, họ cho biết phải di dời nhanh trước khi cơn bão số 10 đến.
Anh Phúc (35 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân nhà máy vừa chỉnh lại dây cáp treo chờ nhóm hơn 20 người cô lập để đưa qua sông. Anh nói dây cáp được dựng lên để tiếp tế lương thực cho anh em bên kia nhà máy, sáng nay thời tiết thuận lợi, nước xuống thấp, nên ban lãnh đạo công ty quyết định đưa tất cả mọi người ra ngoài.
Vào rừng làm việc gần năm nay, lần đầu tiên anh Phúc chứng kiến cảnh tượng sạt lở kinh khủng như vậy. "Chiều 28/10, thời điểm bão số 9 đi vào gió ít nhưng mưa rất lớn, công nhân đều ngồi trong lán, nghe tiếng nổ ầm ầm, lúc này cũng không biết chạy đi đâu, may mà đất đá tràn xuống khu vực lán ít, không ảnh hưởng đến tính mạng", anh Phúc nói.
Cáp treo dựng khá đơn sơ dưới lòng sông với 3 cây gỗ tụm lại làm điểm tựa. Để đưa đồng nghiệp qua bên này, hơn 10 người được chia ra hai nhóm đôi bờ kéo thủ công. Anh Toàn, một công nhân bị mắc kẹt bên nhà máy điều hành cười lạc quan khi được đưa ra ngoài. "Tôi làm thuỷ điện này được hơn 2 năm nên cũng quen việc đi cáp treo, tuy nhiên lần này cũng hơi sợ vì ảnh hưởng của bão", anh Toàn nói và cho biết thêm để đến khu vực cứu hộ cứu nạn, nhóm của anh phải đi bộ đường rừng chừng 3 km.
Đến chiều 30/10, Phước Sơn có mưa lớn, hầu hết số công nhân qua sông bằng cáp treo, lội bộ ra trung tâm xã Phước Công an toàn. Theo báo cáo của lãnh đạo thủy điện Đăk Mi 2, nhà máy đã liên lạc được tất cả các công nhân. Khu vực đập chính còn 80 công nhân, sẽ cơ động ra 10 người. 70 công nhân vẫn ở lại để vận hành nhà máy. Lương thực cũng được tiếp tế để đảm bảo đủ một tuần cho công nhân.
Mũi cứu hộ 8 người dân mất tích tại xã Phước Lộc, lực lượng tại chỗ đã tìm thấy và chôn cất 5 thi thể. Theo lãnh đạo xã này, số lượng đất đá vùi lấp rất lớn, việc tìm kiếm thủ công bằng cuốc xẻng không hiệu quả, cần đưa phương tiện, máy múc vào hiện trường.
"Nhưng để vào được đến Phước Lộc phải mất một tuần nếu trời không mưa, nếu trời mưa thì còn kéo dài hơn, nguy cơ sạt lở cao", ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính tỉnh Quảng Nam nói. Về phương án đảm bảo lương thực cho người dân xã Phước Lộc đang bị chia cắt, ông Hà cho hay trong dân còn 4 tấn gạo. Huyện Phước Sơn đang lên phương án vận chuyển lương thực vào tiếp tế. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã yêu cầu Bộ quốc phòng bay trực thăng vào những khu vực cô lập, thả hàng tiếp tế cho người dân.
Hai ngày trước, một vụ sạt lở đất đã vùi lấp 11 người ở thôn 6, xã Phước Lộc. Đến nay 5 thi thể đã được lực lượng cứu hộ tại chỗ tìm thấy. Tại xã Phước Thành, cùng huyện Phước Sơn, một vụ sạt lở đất đá khác khiến hai cán bộ xã mất tích trên đường giúp dân sơ tán, tránh lũ. Cơn bão số 9 cũng khiến đường vùng cao 5 xã thuộc huyện Phước Sơn bị chia cắt, khiến hơn 200 công nhân nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 bị cô lập.
Phước Tuấn - Võ Thạnh - Tuấn Việt - Như Quỳnh - Nguyễn Đông
Xem diễn biến chính