Mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài hơn 15 km sẽ được mở rộng từ 4 lên 6 làn xe. Điểm đầu kết nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Điểm cuối kết nối với dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Dự án được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120 km/h, mở rộng 2 làn xe bên trái đường hiện hữu, bề rộng nền đường 15,25 m, đảm bảo 6 làn xe hoàn thiện.
Trên tuyến cao tốc có 7 cầu, trong đó 3 cầu Nam Bình, Đông Thịnh và Mai Sơn đã được đầu tư 6 làn xe. 4 cầu Cao Bồ, Cẩm, cầu vượt quốc lộ 10 và cầu Quán Vinh sẽ xây dựng bổ sung đơn nguyên phía trái tuyến để đảm bảo 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án là 1.875 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam, kết nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tuy nhiên, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe hạn chế, không có làn dừng khẩn cấp nên dễ ùn tắc vào dịp cao điểm, tiềm ẩn tai nạn. Dự án mở rộng cao tốc sẽ nâng cao năng lực khai thác trên tuyến, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm thiểu tai nạn giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Nam Định, Ninh Bình.
Xây mới cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn
Được đầu tư hơn 5.750 tỷ đồng, tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn dài gần 29 km, điểm đầu kết nối với đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, điểm cuối kết nối cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng (TP Bắc Kạn), tổng mức đầu tư hơn 5.750 tỷ đồng.
Tuyến đường được đầu tư quy mô cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h với 4 làn xe, bề rộng nền đường 22 m. Đoạn tuyến nối dài khoảng 0,4 km, quy mô 2 làn xe. Trên tuyến sẽ xây dựng 18 cầu, trong đó 16 cầu trên cao tốc, 2 cầu vượt ngang; 4 nút giao liên thông, trong đó có nút giao liên thông với quốc lộ 3.
Dự án cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn nhằm tăng cường kết nối, giảm tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Bắc Kạn đến vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và kết nối tuyến cao tốc hướng tâm Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi từ vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và các cảng biển phía Bắc đến các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng.
Tuyến đường này sẽ kết nối với đường Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh, rút ngắn thời gian đi lại giữa Hà Nội, Thái Nguyên với tỉnh Bắc Kạn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng trong khu vực.
Mở rộng cao tốc La Sơn - Hòa Liên
Cao tốc La Sơn - Hòa Liên qua tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng sẽ được mở rộng từ 2 lên 4 làn xe với tổng mức đầu tư 3.010 tỷ đồng. Tuyến đường dài 65 km, điểm đầu nối với cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thuộc thị trấn La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; điểm cuối tại nút giao Hòa Liên, thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Tuyến đường hiện nay có 2 làn xe, sẽ được mở rộng đảm bảo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng 22 m. Dự án sẽ tận dụng nguyên trạng 12 cầu trên tuyến đã đảm bảo 4 làn xe; xây dựng thêm cầu mới hoặc mở rộng 50 cầu trên tuyến quy mô 4 làn xe. Hệ thống an toàn giao thông sẽ tận dụng tối đa những thứ đã có và bổ sung hạng mục còn thiếu đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thời gian qua, tuyến La Sơn - Hòa Liên và Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, một phần do cao tốc chỉ có 2 làn hạn chế. Việc mở rộng cao tốc 4 làn xe sẽ nâng cao năng lực khai thác tuyến La Sơn - Hòa Liên nói riêng, cùng với các tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Đà Nẵng - Quảng Ngãi để hình thành trục giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn miền Trung, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Xây mới cao tốc Dầu Giây - Tân Phú
Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có điểm đầu tại nút giao với quốc lộ 1, kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Trong giai đoạn 1, cao tốc được đầu tư xây dựng 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tại đoạn dừng xe khẩn cấp, công trình cầu theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 24 m. Công tác giải phóng mặt bằng theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe, bề rộng nền đường 24 m.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.980 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.680 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia khoảng 1.300 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) có quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài khoảng 220 km bao gồm các đoạn: Dầu Giây-Tân Phú dài 60 km, Tân Phú - Bảo Lộc dài 67 km, Bảo Lộc - Liên Khương dài 74 km, Liên Khương - Prenn dài 19 km.
Dự án Dầu Giây - Tân Phú là mảnh ghép quan trọng trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ.
Đến nay, đoạn Liên Khương - Prenn đã khai thác, các đoạn còn lại Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương đang thực hiện thủ tục đầu tư.
Mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây
8 năm trước, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư với quy mô 4 làn xe. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP HCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Lưu lượng phương tiện những năm gần đây tăng cao khiến cao tốc quá tải, đoạn từ nút giao An Phú (TP HCM) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai) có lưu lượng vượt 25% so với năng lực thiết kế. Đặc biệt, đến năm 2026, sân bay Long Thành khai thác, dự án sẽ không thể đáp ứng khả năng thông hành.
Theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cao tốc này sẽ được mở rộng. Đoạn TP HCM - Long Thành dài gần 22 km, điểm đầu tại nút giao vành đai 2 thuộc TP Thủ Đức, TP HCM; điểm cuối tại nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, được mở rộng như sau: Đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 được đầu tư 8 làn xe theo quy hoạch. Đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đầu tư 10 làn xe.
Trên tuyến có hai cầu là Sông Tắc sẽ được mở rộng theo quy hoạch 10 làn xe, xây thêm cầu Long Thành 4 làn xe như cầu Long Thành hiện tại. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 14.955 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 5.555 tỷ đồng (chiếm 37%), vốn vay thương mại là 9.400 tỷ đồng (63%).
Mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Tuyến cao tốc dài 91 km sẽ được mở rộng lên 6-8 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp với tổng mức đầu tư gần 32.300 tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, dự kiến triển khai giai đoạn 2025-2028. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn trong khoảng 17 năm 4 tháng.
Cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện có 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, khai thác từ 14 năm trước. Từ năm 2019, tuyến đường dừng thu phí, lưu lượng ôtô tăng mạnh khiến tình trạng ùn tắc, tai nạn xảy ra thường xuyên. Nối với tuyến này, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dù mới đưa vào sử dụng cách đây hai năm quy mô 4 làn xe hạn chế, nhưng chưa có làn dừng khẩn cấp nên bộc lộ nhiều hạn chế.
Tuyến cao tốc này là trục huyết mạch nối TP HCM về Đồng bằng sông Cửu Long giúp phương tiện rút ngắn thời gian đến Mỹ Thuận còn khoảng 1 giờ 45 phút so hơn 3 giờ nếu đi quốc lộ 1.
Xây mới cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh
Cao tốc Cao Lãnh - Mỹ An dài gần 27 km nằm tại tỉnh Đồng Tháp; điểm đầu kết nối tuyến N2 tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh).
Giai đoạn 1, dự án được phân kỳ đầu tư với nền đường 17 m, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, các đoạn dừng xe khẩn cấp bố trí không liên tục. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe để phục vụ mở rộng theo quy hoạch.
Công trình có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 6.130 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc khoảng 4.460 tỷ đồng gồm chi phí xây dựng; vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 1.665 tỷ đồng được sử dụng chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước, giải phóng mặt bằng.
Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh khi hoàn thành kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành (Bình Phước) - Cà Mau góp phần giảm tải cho quốc lộ 1, đồng thời liên thông với các cao tốc trục dọc, ngang ở miền Tây.
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hóa, vận tải chung hành khách và hàng hóa; kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận với Trung Quốc.
Tuyến có điểm đầu tại vị trí nối ray với đường sắt Trung Quốc thuộc TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai; điểm cuối tại cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng. Chiều dài tuyến khoảng 417 km (trong đó chính tuyến dài 396 km, hai nhánh kết nối với cảng Nam Đồ Sơn và cảng Đình Vũ dài khoảng 20 km). Tuyến đi qua 9 tỉnh thành là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Theo quy hoạch, tuyến còn kéo dài đến điểm cuối là ga Hạ Long, Quảng Ninh (thuộc tuyến Kép - Hạ Long) với tổng chiều dài 460 km.
Dự án dự kiến phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn một sẽ đầu tư xây dựng một đường đơn và xây dựng các công trình trên tuyến, giải phóng mặt bằng toàn bộ, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8,57 tỷ USD. Giai đoạn hai xây dựng hoàn chỉnh đường đôi theo quy hoạch. Trên cơ sở dự báo nhu cầu, trước năm 2030 nhà đầu tư xây dựng đoạn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đoạn tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ được triển khai sau năm 2030.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, tuyến đường sắt này sẽ khởi công trong năm 2025 nên Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương thực hiện thủ tục đầu tư. Dự kiến Bộ phải hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội trước ngày 31/3/2025 và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2025.