Thảm họa Titanic trở thành vụ đắm tàu nổi tiếng nhất trong lịch sử, nhưng còn nhiều điều bí ẩn về con tàu 108 tuổi này cùng hành trình đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó.
Titanic nổi tiếng vì sự sang trọng, không phải tốc độ
Vào đầu thế kỷ 20, công nghệ mới và lực lượng đông đảo dân nhập cư châu Âu cho phép các hãng tàu hơi nước chế tạo những con tàu biển lớn và sang trọng nhất lúc bấy giờ. Công ty Cunard có trụ sở tại Liverpool, Anh đã cho ra mắt hai tàu sân bay kiểu dáng đẹp và có tốc độ nhanh nhất, Mauretania vào năm 1906 và Lusitania vào năm 1907, có khả năng băng qua Đại Tây Dương trong thời gian kỷ lục. White Star Line, với hy vọng cạnh tranh với đối thủ số một của mình, đã phản công bằng cách đặt hàng ba tàu biển khổng lồ - Olympic, Titanic và Britannic. Được chế tạo bởi Nhà máy đóng tàu Harland & Wolff ở Belfast, Ireland (nay là Bắc Ireland), những con tàu được thiết kế để trở nên sang trọng nhất trên mặt nước.
Trên Titanic, hành khách có thể tận hưởng hồ bơi, sân bóng quần, tennis, phòng tập thể dục, phòng tắm nắng, phòng ăn cao cấp và phòng tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Con tàu có "nhiều hơn một trăm cabin hạng nhất so với tàu Olympic, và một đại lộ Paris trên boong B để tạo cảm giác nơi đây như một quán cà phê mặt phố. Đặc biệt, Titanic nặng hơn người chị em của nó hơn 1.000 tấn", Paul R. Ryan đã viết trên tạp chí Oceanus của Viện Hải dương học Woods Hole.
Mọi thứ trên Titanic đều khổng lồ, trừ số tàu cứu sinh
Titanic là con tàu chở khách lớn nhất vào thời đó. Kết cấu thép của nó được cố định bởi 3 triệu đinh tán nặng 1.200 tấn, 29 nồi hơi sản xuất đủ năng lượng để đạt được 50.000 mã lực và tốc độ trung bình 21 hải lý/ giờ (hơn 24 dặm/ giờ). Con tàu dài 270 m tính từ mũi đến đuôi và rộng hơn 28 m. "Tóm lại, Titanic cao 11 tầng và dài như 4 khu phố", Walter Lord đã viết trong cuốn lịch sử về vụ chìm tàu Titanic, A Night to Remember.
Theo điều tra chính thức của chính phủ Anh, con tàu chở khoảng 1.316 hành khách và 885 thủy thủ đoàn trong chuyến đi đầu tiên của nó (số lượng có thể khác theo nhiều nguồn) nhưng chỉ có 20 chiếc thuyền cứu sinh, mỗi chiếc có sức chứa an toàn từ 40 đến 60 người, tức tổng sức chứa của toàn bộ tàu cứu sinh chỉ vào khoảng 1.178 người. Vào thời điểm đó (năm 1912), quy định của Ban Thương mại đối với tàu chở khách chỉ yêu cầu 14 thuyền cứu sinh trên tàu. Tàu Titanic có 14 thuyền cứu sinh, hai thuyền buồm nhỏ và bốn thuyền đóng mở.
Cuốn sách trùng hợp đến kỳ lạ
Vụ đắm tàu Titan (The wreck of Titan) là cuốn sách của tiểu thuyết gia ít tên tuổi Morgan Robertson xuất bản trước khi vụ đắm tàu Titanic xảy ra, đã có một số sự trùng hợp rất kỳ lạ.
Theo tiểu thuyết, con tàu biển vĩ đại nhất từng được chế tạo - tàu Titan (sự trùng hợp ở ngay cái tên) - đang băng qua Đại Tây Dương trong hành trình đầu tiên của nó thì va chạm với một tảng băng và chìm mãi mãi. Titan dài 800 feet; chiều dài Titanic là 882,5 feet. Cả hai tàu đều có thể đạt tốc độ 25 hải lý / giờ. Cả hai đều lên đường vào tháng tư. Cả hai đều có thể chở 3.000 người và cả hai đều có quá ít thuyền cứu sinh.
Rất ít hành khách lo lắng khi Titanic va chạm với tảng băng trôi
Trong cuốn sách xuất bản năm 1955 của mình, Walter Lord đã nói chuyện với hơn 60 người sống sót trên Titanic. Họ bất ngờ tiết lộ hành khách trên tàu không hề quan tâm khi vụ va chạm với tảng băng trôi xảy ra. Nhiều người ở khoang hạng nhất và hạng hai hầu như không cảm thấy tác động gì. Họ quay trở lại công việc đang làm hoặc hỏi các thành viên thủy thủ đoàn tại sao động cơ của tàu lại dừng.
Không lâu sau mọi việc dần sáng tỏ, theo lời kể của Lord: "Xa trên boong A, hành khách hạng hai Lawrence Beesley nhận thấy một điều bất thường. Khi bắt đầu xuống phía dưới để kiểm tra cabin của mình, anh ấy cảm thấy chắc chắn cầu thang 'không ổn lắm.' Chúng có vẻ bằng phẳng, nhưng chân của anh ấy không đặt xuống được đúng chỗ. Theo cách nào đó, chân anh liên tục đi lạc về phía trước và mất thăng bằng... như thể các bậc thang bị nghiêng xuống phía mũi tàu".
Hành khách và thủy thủ đoàn không nhận được hướng dẫn rõ ràng về cách lên thuyền cứu sinh. Khi mọi người bắt đầu nhận thấy rõ con tàu bị nghiêng dần, việc đưa người lên thuyền cứu sinh trở nên hỗn loạn. Phụ nữ và trẻ em được lên tàu trước, với sự ưu tiên nhất định dành cho hành khách khoang hạng nhất và hạng hai; hành khách nam được yêu cầu (hoặc lựa chọn) ở lại với con tàu. Thuyền cứu sinh được hạ xuống khi chỉ mới đầy một nửa số ghế. Hành khách hạng ba (dù là nam hay nữ) đều phải tự lo cho mình.
Thương vong
Trong số 2.201 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu, chỉ có 711 người sống sót sau vụ chìm tàu, số người chết là 1.490 người theo số liệu của chính phủ Anh. (Theo các nghiên cứu khác thống kê thì số người chết là 1.503, 1.517, và cao nhất là 1.635 người). Hành khách hạng nhất chịu ít thương vong nhất - 203 trên 325, tức 62% sống sót. Ở hạng hai, 118 trong tổng số 285 hành khách, tương đương 41% sống sót. Và ở hạng ba, chỉ có 178 trong số 706 hành khách, tương đương 25% sống sót sau thảm hoạ.
Về thủy thủ đoàn, 673 trong số 885 người, tương đương 76%, đã chìm xuống cùng tàu, bao gồm thuyền trưởng Edward Smith, thuyền phó William Murdoch, người phụ trách đường dây liên lạc Marconi Jack Phillips, người đã gửi tín hiệu báo sự cố CQD và SOS, và tất cả tám thành viên ban nhạc.
Không ai biết chính xác Titanic ở đâu suốt 73 năm
Một số cuộc thám hiểm đã thất bại khi đi tìm nơi an nghỉ cuối cùng của con tàu Titanic ở Bắc Đại Tây Dương. Năm 1985, Robert D. Ballard, khi đó là nhà khoa học cấp cao của Viện Hải dương học Woods Hole, và một nhóm người Pháp do Jean-Louis Michel của viện nghiên cứu IFREMER dẫn đầu, cuối cùng đã thành công. Hải quân Mỹ đã bí mật ủy quyền cho Ballard xác định vị trí hai tàu ngầm hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh đã chìm ở Bắc Đại Tây Dương hàng thập kỷ trước và Ballard đồng ý giúp đỡ miễn là anh ta có thể sử dụng công nghệ của mình để tìm kiếm tàu Titanic trong khu vực.
Nhóm sử dụng tàu nghiên cứu Knorr của Woods Hole, phương tiện điều khiển từ xa (ROV) để khảo sát vùng biển sâu. Thay vì cố gắng xác định vị trí của con tàu trong một khu vực rộng lớn, nhóm nghiên cứu tập trung vào việc tìm kiếm các vùng chứa mảnh vỡ lớn của Titanic. Các kỹ sư điều khiển ROV dò tìm và truyền hình ảnh đến tàu nghiên cứu. Vào ngày 1/9/1985, hình ảnh các nồi hơi của Titanic xuất hiện - lần đầu tiên trong 73 năm.
Những bức ảnh về xác tàu Titanic - thân tàu ma quái và dấu vết của những chai rượu chưa vỡ, đĩa bạc, cửa sổ kính có chì, khăn trải giường và các hiện vật khác nằm sâu 2,4 km dưới đáy biển - đã được xuất bản và phát hành trên toàn thế giới.
Cổ vật từ Titanic được trưng bày ở nhiều phòng triển lãm khắp thế giới
Trong khi xác tàu vẫn nằm dưới đáy biển, RMS Titanic Inc. đã thu hồi thành công hơn 5.000 hiện vật, bao gồm một mảnh dài 12 foot x 26 foot của thân tàu. Phần này đã được trưng bày trong một cuộc triển lãm của bảo tàng Titanic tại Luxor ở Las Vegas vào năm 2011.
Ở Liverpool (Anh), bộ sưu tập Titanic của Bảo tàng Hàng hải Merseyside bao gồm những vật phẩm: một chiếc thắt lưng của người sống sót và một bảng tên được lấy ra từ một trong những chiếc thuyền cứu sinh, một bức điện được gửi từ thuyền trưởng Arthur Rostron của Carpathia đến trụ sở chính của Cunard nói với công ty về thảm họa... Các đồ tạo tác được tìm thấy từ đống đổ nát bao gồm đĩa sứ, một cặp kính pince-nez và ghim mũ bằng vàng. Bảo tàng cũng sở hữu tấm vé hạng nhất duy nhất còn sót lại: Vị giáo sĩ mua nó đã chọn ở nhà để chăm sóc người vợ ngã bệnh vào đêm trước khi tàu khởi hành.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ Smithsonian cũng sở hữu một số hiện vật, bao gồm máy ảnh Kodak "Brownie" của hành khách Carpathia, Bernice Palmer Ellis và những bức ảnh cô chụp về những người sống sót đã được cứu.
Titanic sẽ ra khơi lần nữa
Tuy không phải tàu Titanic nguyên bản, nhưng chúng ta sẽ được thấy một bản sao của tàu Titanic. Doanh nhân người Australia Clive Palmer đã thành lập công ty vận tải Blue Star Line vào năm 2012 để chế tạo một bản sao gần như chính xác của con tàu Titanic - được gọi là Titanic II - với hy vọng hoàn thành chuyến vượt Đại Tây Dương mà Titanic đã chưa từng làm được.
Tàu Titanic II sẽ lớn hơn một chút so với nguyên bản, với không gian cho 2.400 hành khách và 900 thủy thủ đoàn, đồng thời tái hiện chân thực sự sang trọng thời Edward của nó (thậm chí cả bồn tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ). May mắn thay cho những hành khách trên chuyến hành trình đầu tiên của Titanic II, dự kiến được lên lịch vào năm 2022, con tàu sẽ có rất nhiều thuyền cứu sinh và kế hoạch sơ tán toàn diện trong trường hợp có tảng băng trôi.
Bảo Châu (Theo Mentalfloss)
Xem thêm