Charles Joughin là một trong những người cuối cùng rời khỏi Titanic khi con tàu đắm xuống Bắc Đại Tây Dương vào rạng sáng 15/4/1912. Bằng cách nào đó, trưởng bếp bánh của tàu đã sống sót trong làn nước âm độ C vài giờ cho đến khi tìm thấy một chiếc phao cứu sinh.
Định mệnh
Chào đời vào năm 1878 tại thị trấn miền biển Birkenhead (Anh), Charles Joughin đi theo tiếng gọi của đại dương khi còn nhỏ. Theo chân hai anh trai, những người đều thuộc Hải quân Hoàng gia Anh, Charles bắt đầu lên tàu từ năm 1889 khi mới 11 tuổi.
Qua bao năm tháng tôi rèn, cuối cùng Charles cũng có mặt trên RMS Titanic sang trọng nhất thế giới thời bấy giờ, trong vai trò bếp trưởng bếp bánh, quản lý đội ngũ 13 thợ.
Khi con tàu nặng hàng chục nghìn tấn đâm trúng một tảng băng trôi vào đêm 14/4/1912, ông tỉnh giấc và phát hiện thuỷ thủ đoàn hỗn loạn. Charles lập tức nhận ra chuyện gì đã xảy ra và kiểm soát tình hình.
Yêu cầu đầu tiên của bếp trưởng này là lệnh cho những người thợ dưới quyền mang 50 ổ bánh mì lên trên boong tàu, đảm bảo mọi người trên thuyền cứu hộ có đủ thức ăn để sống sót cho tới khi được giải cứu.
Khi làn nước băng giá bắt đầu tràn vào trong tàu, phần lớn mọi người hoảng loạn cực độ, còn Charles về phòng và uống một cốc rượu. Ông tìm đến thuyền cứu sinh theo chỉ định, nhưng không phải lên đó thoát nạn. Bếp trưởng 34 tuổi lúc này giúp những người đàn ông khác đưa phụ nữ và trẻ em lên những chiếc thuyền cứu sinh.
Từ bỏ chiếc thuyền của mình, Charles lại về phòng lần nữa và uống rượu, không hề nao núng trước dòng nước đang lấp đầy cabin. Ông trở lại boong tàu và bắt đầu ném từng chiếc ghế võng xuống biển, hy vọng những ai kém may mắn không tìm nổi chỗ trên thuyền cứu sinh có thể bám vào đó mà sống sót.
Chìm tàu
Một lần nữa quay xuống dưới boong tàu để lấy ly nước, Charles nghe thấy tiếng Titanic gãy đôi. Đó là khoảnh khắc kinh hoàng với những người ở trên tàu, nhưng Charles tự nhủ: "Chẳng có chuyện gì khủng khiếp xảy ra cả".
Charles lập tức tìm đường đến đuôi tàu và bám vào lan can. Trong những giây phút cuối cùng khi con tàu đắm xuống, ông bám chặt lấy phao cứu sinh, lấy ra vài thứ từ trong túi và bình tĩnh đứng đó, tự hỏi mình phải làm gì.
Khoảng 2h20, nửa còn lại của tàu Titanic dựng thẳng đứng và chìm dần, Charles là một trong số những người cuối cùng rơi xuống làn nước Đại Tây Dương lạnh lẽo.
Sống sót
Với người bình thường, cơ thể họ sẽ bị sốc nhiệt khi rơi xuống biển nước -2 độ C. Thuyền phó Charles Lightoller từng mô tả cảm giác ấy như bị "hàng nghìn mũi dao đâm vào người". Thực tế, sốc lạnh, hoảng loạn hoặc thân nhiệt hạ đột ngột đủ để lấy mạng nhiều người.
Nhưng, đây không phải là những gì xảy ra với Charles. Ông lao xuống nước với thái độ bình tĩnh vốn có của mình. "Tôi cứ vươn dài sải tay và rẽ nước", Charles nhớ lại sau này.
Ông tiếp tục lênh đênh hai tiếng rưỡi giữa đại dương băng giá. Cuối cùng, khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, Charles mới nhìn ra một chiếc xuồng cứu sinh bị lật và bơi đến đó. Không may, thuyền chật cứng với 25 người đang đứng trên đó. Một lát, Charles tìm thấy một chiếc thuyền cứu sinh khác còn chỗ trống và được người ta kéo lên. Không lâu sau, tàu RMS Carpathia giải cứu những người sống sót của Titanic. Điều phi thường là Charles không hề bị thương sau hàng tiếng ngâm mình trong nước lạnh.
Trở về từ thảm họa
Với nhiều người, sống sót qua một vụ đắm tàu cướp đi sinh mạng của hàng nghìn hành khách là ký ức kinh hoàng đủ để họ không bao giờ muốn đặt chân lên thuyền nữa. Nhưng Charles là ngoại lệ. Ông trở về Anh và là một trong những thành viên của thuỷ thủ đoàn tham gia làm chứng trong cuộc điều tra tai nạn tàu RMS Titanic. Năm 1920, Charles chuyển đến sống tại New Jersey, Mỹ và phục vụ trên các tàu do American Export Lines vận hành, cũng như các tàu vận chuyển của quân đội trong Thế chiến II trước khi nghỉ hưu năm 1944. Trải qua những cuộc phiêu lưu trên biển, Charles qua đời năm 1956, thọ 78 tuổi.
Câu chuyện của Charles xuất hiện trong bộ phim A Night to Remember năm 1958, bom tấn Titanic năm 1997 - một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử, và show truyền hình Drunk History.
Tới nay, không ai biết chính xác Charles đã sống sót bằng cách nào. Nhưng một trong những lý do thuyết phục nhiều người là Charles không hề mất bình tĩnh và có thể ra những quyết định khôn ngoan, như tránh xa làn nước lạnh cho đến giây phút cuối cùng. Rượu cũng được cho là đã giúp ông giữ ấm cơ thể trong thời gian chờ cứu hộ.
Bảo Ngọc (Theo ATI)