Bác sĩ Tan Wu Meng, Trung tâm Ung thư Parkway Singapore, cho biết ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam và nữ. Dấu hiệu phổ biến của bệnh là những cơn ho dai dẳng dường, hụt hơi hoặc đau dai dẳng ở ngực. "Đặc biệt nếu bạn ho ra máu hoặc liên tục mắc các bệnh nhiễm trùng phổi như viêm phổi, cần đến gặp bác sĩ ngay. Bởi hầu hết bệnh nhân ung thư phổi đều mô tả bị các triệu chứng này", bác sĩ khuyên.
Ảnh minh họa: benhungthu. |
Bác sĩ Tân giải thích: Ung thư phổi bắt nguồn từ các mô phổi, thường từ các tế bào lót ống khí. Theo Hội Ung thư Singapore, căn bệnh này chiếm 15% trong các loại ung thư ở đàn ông và 7,5% ở phụ nữ trong vòng 5 năm qua. Bệnh gồm 2 dạng chính: Ung thư phổi tế bào không nhỏ (NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC). Loại thứ hai thường ác tính hơn.
NSCLC là loại ung thư phổi phổ biến hơn, cứ 5 bệnh nhân thì có 4 người mắc dạng này. Ung thư loại này khi phát hiện sớm có thể chữa trị được bằng phẫu thuật kèm theo xạ trị hoặc hóa trị. Loại SCLC ở giai đoạn sớm có thể chữa bằng xạ trị và hóa trị. Thực tế hầu hết bệnh nhân SCLC được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới khẳng định một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi là khói thuốc. Nguyên nhân này chiếm hơn 80% các ca ung thư phổi, là hậu quả của thói quen hút thuốc lá, thuốc điếu, xì gà hoặc hút thuốc thụ động. Khói thuốc phá hủy cấu trúc tự nhiên các tế bào phổi và qua thời gian chúng phát triển thành ung thư.
Ngoài ra còn một số tác nhân khác được chứng minh gây ung thư phổi như radon (một loại khí phóng xạ) hoặc bụi công nghiệp (amiang). Bệnh cũng mang tính gia đình, nếu có người thân mắc ung thư phổi thì bạn có nguy cơ mắc cao hơn bình thường. Bệnh phổ biến ở người từ 65 tuổi trở lên, trong đó đàn ông được chẩn đoán mắc ung thư phổi cao gấp 3 lần phụ nữ.
Ung thư phổi ở giai đoạn đầu có rất ít triệu chứng điển hình. Khi bệnh phát triển, nhiều triệu chứng có thể xuất hiện và ngày càng nhiều, chẳng hạn như:
- Ho dai dẳng, uống thuốc không khỏi hoặc ngày càng tệ hơn.
- Khó thở, hụt hơi.
- Đau ngực dai dẳng.
- Ho ra máu.
- Giọng khàn.
- Thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng phổi như viêm phổi.
- Luôn thấy mệt mỏi.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Theo bác sĩ Tan, các triệu chứng trên có thể là hậu quả của các vấn đề sức khỏe khác không liên quan tới ung thư. Tuy nhiên nếu có những triệu chứng này, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị phù hợp, ngay cả khi phát hiện do ung thư thì điều trị sớm bao giờ cũng mang lại kết quả khả quan hơn.
Có 4 phương pháp điều trị ung thư phổi. Nếu thấy cần thiết, bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp này để đạt kết quả tốt hơn:
- Phẫu thuật nhằm loại bỏ các mô chứa khối u. Phương pháp này chủ yếu áp dụng cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi có thể loại bỏ hoàn toàn nhờ phẫu thuật.
- Xạ trị: Sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.
- Hóa trị: Dùng các loại thuốc trị ung thư làm teo nhỏ hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc có thể tác động đến các tế bào ung thư khắp cơ thể vì được đưa qua đường máu.
- Điều trị đích: Thuốc được đưa vào cơ thể để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư. Các loại thuốc này đi vào máu và có thể tác động lên các tế bào ung thư khắp cơ thể. Điều trị đích được chỉ định áp dụng ở những bệnh nhân mắc NSCLC, thuốc sẽ nhắm vào một đột biến đặc biệt của tế bào ung thư để tiêu diệt chúng.
Tế bào ung thư di căn trong cơ thể như thế nào