Tiến sĩ Susan Heitler, tác giả cuốn Power of Two Marriage, là chuyên gia trong việc hòa giải các cuộc hôn nhân. Phần lớn khách hàng của bà là những cặp vợ chồng cảm thấy không còn chờ đợi gì ở cuộc hôn nhân của họ, nhưng sau một đợt trị liệu, họ lại tạo ra một cuộc hôn nhân tuyệt vời. Và đây là phương pháp 8 bước mà Susan Heitler thường gợi ý họ thực hiện:
1. Lập danh sách tất cả những điều vợ chồng bạn đang tranh cãi. Cuộc trị liệu sẽ kết thúc khi hai người tìm ra được giải pháp chung cho những vấn đề này và học được kỹ năng giải quyết vấn đề mới phát sinh với giải pháp cả hai cùng hài lòng tương tự.
2. Tập trung vào chính bạn. Nỗ lực thay đổi bạn đời chỉ khiến người đó có tinh thần phòng thủ với bạn. Thay vào đó, bạn nên tập trung năng lượng để tìm ra điều gì có thể làm theo cách khác, từ đó, bạn lại có thể tiếp tục yêu thương và vui vẻ khi bạn đời làm những điều mà bạn không thích. Hãy biến mình thành trung tâm theo nghĩa tích cực nhất có thể.
3. Đừng chê bôi nhau nữa. Những nhận xét tiêu cực vợ chồng dành cho nhau là hoàn toàn vô ích. Nó chỉ làm hỏng một mối quan hệ tốt đẹp. Vì vậy, đừng chỉ trích, chê bôi, trách móc, tố cáo, tức giận, mỉa mai, soi mói hoặc nhận xét cường điệu về nhau nữa.
Hãy cố gắng tạo cho mình một trạng thái bình tĩnh nhất. Hãy thoát ra sớm nếu một trong hai người bắt đầu cảm thấy sôi máu. Sau khi bình tĩnh, hãy hợp tác trở lại.
Nhà tâm lý học John Gottman đã phát hiện ra rằng, nhìn chung các cuộc hôn nhân có thể tồn tại nếu trong tương tác giữa hai vợ chồng, tỷ lệ yếu tố tốt - xấu là 5:1. Tuy nhiên, bạn chỉ muốn hôn nhân tồn tại, hay muốn nó phát triển mạnh? Nếu phát triển mạnh là mục tiêu của bạn, hãy cố gắng thay đổi tỷ lệ đó thành 1 triệu và 1. Điều đó có nghĩa bạn đừng phàn nàn và bôi gio trát trấu bạn đời nữa.
4. Thể hiện sự quan tâm mang tính chất xây dựng. Một cách đơn giản để làm điều đó trong cuộc nói chuyện nhạy cảm là mở đầu câu bằng một trong các cụm từ sau: “Em/anh cảm thấy (một tính từ nào đó, ví dụ buồn, lo lắng, vui) khi…/ Mối quan tâm của em là…/Em hy vọng...".
5. Đưa ra những quyết định mang tính hợp tác. Susan Heitler gọi đó là điệu van cùng chiến thắng, mục tiêu của nó là tìm ra những giải pháp làm hài lòng cả hai người. Đừng cố buộc người kia theo cách của bạn nữa, thay vào đó, khi giữa hai người có sự khác biệt, hãy nói ra mối quan tâm cơ bản của bạn đồng thời lắng nghe mối quan tâm của người bạn đời, từ đó tìm ra giải pháp đáp ứng được mong muốn của cả hai.
6. Loại bỏ ba nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân đổ nát. Ngoại tình, nghiện ngập và sự tức giận đến mức không làm chủ được bản thân dẫn đến bạo hành là ba kẻ phá hoại hôn nhân. Chúng không được phép xuất hiện trong một cuộc hôn nhân lành mạnh.
Nếu đang đắm chìm với một trong những thói quen này, bạn cần được giúp đỡ và mang nó ra khỏi cuộc sống ngay. Nếu người bạn đời của bạn có một trong những vấn đề này, cố gắng cứu vớt cuộc hôn nhân có thể là một sai lầm. Hoặc là thiết lập một trang mới trong quan hệ vợ chồng, nơi những điều này không được phép xuất hiện, hoặc là kết thúc cuộc hôn nhân.
7. Tăng cường tối đa những nguồn năng lượng tích cực bạn có thể mang lại cho người bạn đời: Cười nhiều hơn, ôm nhau nhiều hơn, quan hệ tình dục thường xuyên hơn, đánh giá người đó cao hơn, dành nhiều thời gian nói về những điều vợ chồng thích ở nhau hơn, giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn, đồng ý với nhau nhiều hơn, làm nhiều điều thú vị với nhau hơn... Những điều tốt nhất trong cuộc sống đó đều miễn phí. Và càng cho đi nhiều, bạn sẽ càng nhận được nhiều hơn.
8. Học các kỹ năng cho một cuộc hôn nhân thành công. Bạn hy vọng lái xe mà không có hiểu biết gì về chiếc xe và kỹ năng lái? Hãy tìm kiếm sách và các khóa học giáo dục hôn nhân để tìm hiểu thông tin và kỹ năng giải quyết xung đột trong quan hệ vợ chồng. Và sau đó, bên cạnh việc níu giữ hôn nhân, hãy làm cho nó thành một pháo đài của tình yêu.
Kim Anh (Theo Yourtango)