Càng ngày, tỷ lệ các cặp ly hôn ngày càng cao. Một số có thể do những nguyên nhân rất rõ ràng như ngoại tình nhưng với một số cặp thì nguyên nhân lại rất mơ hồ.
Người ta dễ dàng đổ lỗi cho vấn đề tài chính - nguyên nhân hàng đầu của các cuộc ly hôn, sự can thiệp của gia đình hai bên, sự bất đồng trong nuôi dạy con cái, vấn đề con riêng và thậm chí cả người thứ ba cho sự sụp đổ của một cuộc hôn nhân. Việc bị ngược đãi, bị bỏ bê cũng có thể chia rẽ vợ chồng. Nhưng rõ ràng quyết định cuối cùng về việc tiếp tục hay chia tay là do chính hai vợ chồng bạn – những nhân tố làm nên cuộc hôn nhân. Tiếp tục gắn bó với nhau hay chia tay đều chỉ là những sự lựa chọn. Những nhân tố bên ngoài đều có thể gắn kết hay chia rẽ hai người, tuy nhiên, những nhân tố này chỉ có hiệu quả khi được chính những người trong cuộc chấp nhận.
Và đây là vài gợi ý của các chuyên gia tâm lý trên trang familysahre.com giúp bạn có thể bảo vệ hôn nhân của mình khỏi những đổ vỡ nguy hại:
1. Không cố kiểm soát hay thay đổi người bạn đời
Không ai có quyền kiểm soát đời sống của bạn ngoài bạn. Nếu bạn khăng khăng kiểm soát người bạn đời của mình ở tất cả các khía cạnh xã hội, tinh thần và cá nhân, hôn nhân của bạn sẽ gặp rắc rối. Kể cả khi bạn biết chắc rằng người ấy mắc lỗi, sai lầm, thiếu hiểu biết…, bạn cũng không thể khắc phục điều này bằng cách thuyết phục họ làm như những gì bạn muốn. Hãy để người bạn đời làm, nói, nghĩ và cảm nhận như cách họ muốn. Sau đó, bạn hãy xem xét liệu bạn có thể đồng ý với điều đó hoặc liệu cuộc hôn nhân của bạn có cần phải xem xét lại.
Nhiều người có thể trở nên độc đáo, hung hăng thậm chí ngược đãi nếu bạn đời của họ thể hiện sự độc lập. Có người thì lại than vãn, chỉ trích và hạ mình – đặc biệt là khi bạn đời không hoàn thành những trách nhiệm với gia đình hay những mong muốn của họ không được đáp ứng. Đó đều là những phản ứng sai lầm.
Tốt nhất, hãy nói về những vấn đề của bạn với chồng/vợ mình. Hãy cho người ấy biết những gì bạn đánh giá cao ở họ và những gì thì không. Và hãy tập trung vào cảm giác của bạn. Bạn không cần phải kiểm soát hoặc thay đổi vợ/chồng mình. Hãy để bạn đời được là chính mình. Chỉ cần cho người ấy biết nếu hành vi và thái độ của họ có thể ảnh hưởng xấu đến hôn nhân. Hãy để cho cuộc hôn nhân của bạn được sống trong không khí hòa bình và dễ thở.
2. Hợp tác thay vì thỏa hiệp
Thỏa hiệp có thể coi là xương sống của một cuộc hôn nhân lành mạnh. Tôi cũng ủng hộ hành động cho - nhận và làm việc cùng nhau để tạo ra sự hài hòa. Nhưng trong nghệ thuật đàm phán, thỏa hiệp về cơ bản có nghĩa là cả hai bên cùng phải từ bỏ một vài điều mà họ muốn. Trong khi hợp tác có nghĩa là cả hai cùng đạt được cái họ muốn.
Hy vọng, bạn không bao giờ cảm thấy mình cần phải thỏa hiệp về những gì bạn muốn ở người vợ/chồng, ở bản thân mình hay trong cuộc sống. Bạn không cần phải thỏa hiệp bạn là ai, nhu cầu của bạn như thế nào, tính cách của bạn ra sao… để phù hợp với một cuộc sống hôn nhân vốn rất phức tạp.
Còn hợp tác có thể có nghĩa là bạn sẽ thay đổi một vài điều mà bạn từng nghĩ là bạn muốn thấy ở người bạn đời của mình, ở bản thân bạn và ở cuộc sống của bạn. Nhưng người bạn đời sẽ không làm thay đổi con người của bạn. Họ giúp bạn khám phá ra bản thân mình, trở thành một con người đúng như bạn mong muốn hơn, đáp ứng nhu cầu của bạn và tìm thấy sự hài lòng sâu sắc trong cuộc sống. Họ không bao giờ tước đoạt những điều này của bạn vì lợi ích hay sự thoải mái của riêng họ
3. Khoan dung vô điều kiện
Tình yêu vô điều kiện là một yêu cầu tuyệt đối cho một cuộc hôn nhân lành mạnh. Nó có nghĩa là bạn chấp nhận người đó dù họ là ai, và cố gắng hài lòng với tất cả những điều bạn không thích ở người ấy. Tình yêu vô điều kiện xuất phát từ ý chí chủ quan của bạn.
Tuy nhiên, khoan dung vô điều kiện lại phụ thuộc vào yếu tố khách quan bên ngoài, và thể hiện qua việc làm của bạn. Một cuộc hôn nhân cũng có những giới hạn nhất định, và người bạn đời không phải muốn làm điều gì cũng được. Yêu một người không có nghĩa là bạn cần phải gắn chặt với họ. Đặc biệt khi họ ngược đãi, thờ ơ với bạn hoặc không còn quan tâm đến việc cố gắng để duy trì mối quan hệ tình cảm với bạn.
4. Không ngừng theo đuổi
Không bao giờ ngừng hẹn hò, đặc biệt là sau khi hai bạn đã nên vợ nên chồng. Không bao giờ ngừng theo đuổi, đặc biệt sau khi bạn hết giai đoạn thăm dò, tìm hiểu hẹn hò.
Dù ở giai đoạn hẹn hò tìm hiểu hay yêu đương, hoặc kết hôn, bạn đều cần phải cố gắng. Việc theo đuổi được thể hiện khác nhau với từng cá nhân. Nhưng dù thế nào thì theo đuổi cũng có nghĩa là mỗi ngày bạn đều cần phải nỗ lực chỉ ra cho người ấy thấy bạn yêu họ, quan tâm đến họ, đánh giá cao họ. Tất cả những gì bạn muốn chính là giữ được trái tim họ.
Kim Anh (Theo familysahre.com)