Đó là các trạm trên cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình, Thanh Hóa), Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa, Nghệ An), Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Khánh Hòa, Bình Thuận), Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận, Đồng Nai). Mỗi tuyến sẽ xây dựng một cặp trạm dừng nghỉ, riêng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) có hai cặp trạm. Các đoạn cao tốc này đã hoặc sắp hoàn thành song đều chưa có trạm dừng nghỉ.
Nhà đầu tư phải xây dựng ba nhóm công trình, gồm nhóm dịch vụ công như bãi đỗ xe, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Nhóm dịch vụ gồm khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; chỗ rửa xe; nhà hàng ăn uống; khu giải trí, vui chơi dành riêng cho trẻ em và các công trình phụ trợ đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhóm công trình bổ trợ như giới thiệu sản phẩm địa phương, nơi sinh hoạt cộng đồng.
Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị nhà đầu tư gửi hồ sơ trước ngày 11/1/2024. Nếu mỗi dự án chỉ có một đơn vị quan tâm, cơ quan Nhà nước sẽ chỉ định; trường hợp có từ hai đơn vị trở lên sẽ phê duyệt kế hoạch đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Hồi tháng 8, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau với khoảng cách trung bình giữa các trạm là 59 km. Hiện nay, trên cao tốc Bắc Nam mới có có 7 trạm dừng nghỉ đã khai thác, hai trạm đang đầu tư, 27 trạm còn lại sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, 20 trạm được hoạch định diện tích 5 ha mỗi bên, 7 trạm có diện tích khoảng 3 ha mỗi bên.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cho rằng việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc Nam cần đồng bộ với mạng lưới cao tốc cả nước, tránh tình trạng mỗi địa phương xây dựng một kiểu, không đảm bảo khoảng cách.
Theo ông, các dự án cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước cần đấu thầu nhà đầu tư xây trạm dừng nghỉ. Song với dự án theo hình thức xã hội hóa thì nên giao cho nhà đầu tư tuyến đường xây dựng để quản lý nhất quán. Sau này với phương án nhà nước nhượng quyền quản lý vận hành, bảo trì cao tốc, nhà đầu tư nhận nhượng quyền cũng cần được giao quản lý trạm dừng nghỉ để đồng bộ vận hành toàn tuyến.
Trạm dừng nghỉ là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ, là công trình dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo Tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, trung bình 50-60 km cần bố trí một trạm dừng nghỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản như xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn.