Chương trình Fulbright của Chính phủ Mỹ, được thành lập năm 1946, cấp cho ứng viên các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lấy bằng thạc sỹ tại Mỹ. Học bổng bao gồm học phí, trợ cấp hàng tháng, vé máy bay khứ hồi và bảo hiểm y tế.
Năm học 2024 - 2025, học bổng Fulbright mở đơn ngày 17/1 và hạn chót nhận hồ sơ là 17h ngày 17/4 theo giờ Việt Nam. Điều kiện ứng tuyển học bổng là công dân Việt Nam, tốt nghiệp đại học, có ít nhất hai năm kinh nghiệm, có điểm TOEFL iBT tối thiểu là 79, IELTS 6.5 hoặc PTE-A 58 hoặc Duolingo 105 còn giá trị sử dụng.
Thạc sĩ Vĩnh Huy nhận học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ vào năm 2006 theo học ngành Giáo dục và Phát triển Nhân lực tại Đại học Nam Illinois Carbondale. Anh cũng là thành viên hội đồng tuyển chọn chương trình học bổng Fulbright năm 2016, và hướng dẫn nhiều ứng viên nhận học bổng này.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Huy phân tích bảy tiêu chí đánh giá của chương trình học bổng Fulbright để các ứng viên Việt Nam tham khảo:
Thứ nhất, ứng viên phải trình bày các mục tiêu học tập một cách chi tiết và rõ ràng.
Theo anh Huy, có thể nói đây là tiêu chí quan trọng nhất trong các tiêu chí đánh giá. Ứng viên phải xác định và trình bày cụ thể các mục tiêu học tập khi nhận được học bổng sang học ở Mỹ. Ngoài ra, ứng viên còn phải cho thấy khả năng phát triển bản thân, cũng như đóng góp cho cộng động và xã hội, thể hiện sự liên kết giữa các mục tiêu này với các mục tiêu trong tương lai thông qua các bài luận.
Thứ hai, ứng viên phải có bề dày kinh nghiệm làm việc cũng như sự hiểu biết đầy đủ về ngành dự định theo đuổi tại Mỹ.
Tiêu chí này yêu cầu các ứng viên phải nộp đơn ứng tuyển đúng với ngành học mà mình có kinh nghiệm hay đang làm việc, tốt nhất là phù hợp với công việc hiện tại hay lĩnh vực hoạt động của ứng viên.
Thạc sĩ Vĩnh Huy cho biết, không ít ứng viên đã thất bại ngay từ vòng hồ sơ vì nộp đơn sai ngành hoặc ứng tuyển một ngành không hề có chút kinh nghiệm nào hoặc chẳng liên quan gì đến công việc hiện tại của mình, với lý do "muốn khám phá hay học thêm một ngành mới", hay đơn giản là "vì thích". "Chương trình học bổng Fulbright không cấp học bổng cho các bạn ứng tuyển khác ngành, các bạn không nên nộp thử mất công vì sẽ không có kết quả", anh Huy nói, cho biết việc cân nhắc và lựa chọn ngành phù hợp rất quan trọng. Anh từng biết có trường hợp ứng viên nộp sai ngành, nhưng sau đó ứng tuyển lại với ngành phù hợp hơn đã thành công.
Tiêu chí thứ ba, theo anh Vĩnh Huy là ứng viên phải thể hiện được tiềm năng lãnh đạo dựa trên các hoạt động học tập, ngoại khóa, các tố chất cá nhân. Nhiều ứng viên thường nghĩ rằng phải làm sếp mới là lãnh đạo, nhưng chương trình chỉ yêu cầu ứng viên chứng minh mình có tiềm năng lãnh đạo. "Nếu các bạn là sếp ở nơi làm việc của mình thì quá lợi thế, nếu không các bạn vẫn có cơ hội chứng minh điều này thông qua các hoạt động trong công việc hay trong cộng đồng", anh chia sẻ. Chẳng hạn, khi bạn làm việc trong đội nhóm nào đó và là người khởi xướng, hướng dẫn, cũng như ảnh hưởng đến các thành viên trong nhóm để cả nhóm đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ tư, ứng viên phải thể hiện sự cam kết đóng góp cho đất nước cũng như tiềm năng tạo ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng và xã hội sau khi đi học ở Mỹ về. Đây là tiêu chí tạo nên sự khác biệt giữa các ứng viên học bổng. "Ai chứng tỏ được điều này rõ nhất, người đó sẽ có cơ hội cao nhất", anh Huy nói.
Anh Huy từng thể hiện sự cam kết của mình nhất quán. Sau khi tốt nghiệp ở Mỹ về, anh tiếp tục công việc giảng dạy của mình ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM), nơi anh công tác giai đoạn 1988-2015. Bên cạnh đó, anh đã, đang và sẽ tiếp tục tạo động lực, cảm hứng, hướng dẫn các bạn trẻ xin học bổng và nâng cao trình độ tiếng Anh.
Thứ năm, ứng viên cho thấy sẽ đóng góp cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua các hoạt động trao đổi văn hóa và giáo dục.
Theo anh Huy, đây là sứ mệnh của chương trình học bổng Fulbright ngay từ khi thành lập. Nếu ứng viên đã có kinh nghiệm hay tham gia vào lĩnh vực và các hoạt động này rồi sẽ là một lợi thế. Trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng Fulbright, anh Huy đã tham gia vào các hoạt động giáo dục đào tạo với các giảng viên và giáo sư Mỹ, cho nên đây cũng là một thế mạnh trong hồ sơ của anh.
Tiêu chí thứ sáu, anh Huy cho rằng ứng viên phải có sự xuất sắc trong học tập và trình độ tiếng Anh tốt.
Học bổng Fulbright không quy định rõ ứng viên phải đạt điểm trung bình học tập (GPA) cụ thể bao nhiêu. Có những ứng viên có điểm GPA và IELTS hay TOEFL rất tốt nhưng vẫn bị loại do các tiêu chí khác không đủ mạnh để cạnh tranh. Ngược lại, có ứng viên mà điểm GPA đạt loại khá và điểm IELTS vừa dủ vẫn có thể nhận được học bổng.
"Tuy nhiên, ứng viên có thành tích học tập cũng như điểm IELTS hay TOEFL càng cao càng tốt vì điều đó thể hiện sự xuất sắc của bạn", anh Huy nói.
Tiêu chí bảy, ứng viên cần sẵn sàng đóng vai trò là đại sứ văn hóa của Việt Nam.
Bất cứ ứng viên nào cũng đều có khả năng trở thành một đại sứ văn hóa của quốc gia mình khi đến học tập ở Mỹ. Theo anh Huy, ứng viên có thể chia sẻ, tham gia hay tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam trong thời gian học tập tại Mỹ.
Anh Vĩnh Huy cho biết, hàng năm, chương trình học bổng Fulbright tổ chức một sự kiện cho tất cả sinh viên nhận được học bổng này trên thế giới gặp gỡ, giao lưu. Đây chính là dịp tốt để các bạn thể hiện vai trò đại sứ văn hóa của mình, vì mục tiêu của học bổng Fulbright là hướng tới tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hóa và giáo dục.
Từ các phân tích trên, thạc sĩ Vĩnh Huy khuyên ứng viên nên làm mạnh bộ hồ sơ của mình ở bảy tiêu chí, nếu đáp ứng được các tiêu chí, độ phù hợp của bạn với học bổng đã ở mức tương đối cao. "Đa số chương trình học bổng chính phủ, đặc biệt là học bổng Fulbright, không tìm ứng viên giỏi nhất mà tìm ứng viên phù hợp nhất với các tiêu chí họ đề ra", thạc sĩ Vĩnh Huy cho hay.
Lệ Thu