Theo thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Quảng Nam hiện chịu thiệt hại nhiều nhất, với 3 người chết và 3 người mất tích do bị lũ cuốn trôi. Toàn tỉnh có hơn 12.000 nhà ngập trong nước, hơn 2.000 ha hoa màu bị hư hỏng. Ngoài ra, nhiều tuyến đường bị sạt lở, cầu cống bị lũ cuốn.
Nhiều nơi ở Quảng Ngãi, nước ngập 40 - 50 cm. Ảnh: Tăng Thư. |
Tiếp đó là Thừa Thiên Huế với 3 người chết và một người bị thương. Trong đó có bé Huỳnh Minh Đức (45 ngày tuổi) bị chết do lốc làm lật thuyền ở phá Tam Giang và bé Hà Văn Quang (2 tuổi) bị nước cuốn trôi.
Bên cạnh 44 nhà bị tốc mái do lốc đêm 16/10, Thừa Thiên Huế còn có 3 trường học bị gió cuốn bay và hơn 400 ha hoa màu chưa thu hoạch bị hư hỏng.
Khi qua cầu Ngọc Trì (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), ông Phạm Vinh (33 tuổi) đã bị lũ cuốn trôi. Còn cơn lốc xoáy sớm 17/10 đã làm 5 người ở huyện Mộ Đức bị thương, hư hại hàng chục ngôi nhà và gần 9.000 ha hoa màu.
Nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi bị sạt lở, hư hỏng, gây ách tắc giao thông. Ảnh: Tăng Thư. |
Bên cạnh việc hỗ trợ tiền, gạo cho các gia đình có người thiệt mạng, hỗ trợ lương thực cho các hộ dân vùng ngập lũ, Quảng Nam còn tiếp tục sơ tán dân tại các nơi ngập sâu. Đến trưa 18/10, hơn 650 hộ dân đã được đưa đến nơi an toàn. Cùng ngày, Quảng Ngãi cũng sơ tán được hơn 150 hộ dân. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Công thương dự trữ 100 tấn gạo và 50 tấn mì tôm để cấp cho dân khi cần thiết.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, đêm nay, mực nước các sông từ Nghệ An đến Quảng Trị sẽ lên, riêng các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình có khả năng lên mức báo động 1 - báo động 3.
Theo báo cáo của ngày 18/10 của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP HCM, triều cường tiếp tục gây ngập tại một số nơi thuộc quận 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, và các huyện Hóc Môn, Củ Chi. Sáng 18/10, sự cố vỡ bờ bao rạch Cầu Chua phường An Phú Đông, quận 12 đã được xử lý. |
Tiến Dũng