Mỗi quốc gia lại có một cách chào đón năm mới khác biệt, với ý nghĩa và sự thú vị riêng.
Lễ Hogmanay ở Edinburgh, Scotland
Lễ đón năm mới được tổ chức 3 ngày cuối cùng của năm cũ ở thủ đô Edinburgh cũng như khắp nơi tại Scotland. Ngày thứ nhất, 8.000 người sẽ cầm đuốc và tạo ra "dòng sông lửa", diễu hành xuống các con phố ở Old Town, từ quảng trường Quốc hội tới đồi Calton. Mọi người cùng nhau đốt mô hình một chiếc thuyền của người Viking được đặt sẵn tại đây.
Ngày thứ hai, mọi người hát ca, nhảy múa chơi nhạc cụ và dạo bộ. Đến đêm giao thừa, Endinburgh trở nên rộn ràng với những bản nhạc và điệu nhảy truyền thống của người Scotland là dram và ceilidh.
Phong tục đập vỡ đĩa ở Đan Mạch
Làm vỡ đồ trong nhà một ai đó có thể bị xem là điềm xấu, tuy nhiên ở Đan Mạch, mọi người lại đập vỡ đĩa và cốc chén vào đêm giao thừa. Thời điểm đó, người dân đi xung quanh nhà của bạn bè và họ hàng để ném đĩa lên cửa nhà họ. Cửa nhà ai càng có nhiều mảnh vỡ vào sáng 1/1 thì gia đình đó sẽ có một năm tốt lành.
Phong tục ăn 7, 9 hoặc 12 lần ở Estonia
Những người yêu ẩm thực và sành ăn nên đến Estonia vào dịp năm mới, không chỉ vì thủ đô Tallinn xinh đẹp, mà phong tục đêm giao thừa ở đây là ăn theo số may mắn.
Những con số may mắn nhất là 7, 9 và 12, tương ứng với số lượng bữa ăn mà người Estonia có vào đêm giao thừa. Tuy phải ăn rất nhiều nhưng mọi người không nhất thiết ăn hết đồ trong đĩa, hãy để lại chút thức ăn thừa bởi người Estonia tin rằng điều đó làm cho linh hồn của tổ tiên cũng vui vẻ.
Phong tục nhảy 7 con sóng ở Brazil
Đến Brazil, nhất là các bãi biển vào dịp năm mới du khách sẽ được tham gia vào một phong tục truyền thống rất thú vị của người dân địa phương. Đó chính là hoạt động "nhảy 7 con sóng" nhằm mang đến may mắn cho năm mới. Hãy mặc đồ trắng, mang theo một bó hoa và ném ra biển khi đi nhảy sóng đêm giao thừa.
Bữa tiệc mừng năm mới ngày nay biến thành một buổi trình diễn lớn dành cho du khách lẫn người dân. Việc chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới thường bắt đầu vào sáng ngày 31/12 của năm cũ và tới giữa đêm, pháo hoa bắt đầu bừng lên.
Phong tục ăn nho ở Tây Ban Nha
Để có một năm mới dồi dào sức khỏe, người Tây Ban Nha có phong tục ăn 12 quả nho vào đúng giao thừa. Nghe đơn giản nhưng thực tế lại không như vậy (mọi người thậm chí còn tập luyện việc này), nhưng nếu bạn thành công, bạn sẽ có cả một năm mới thịnh vượng.
Để thực hiện phong tục này khi ở Madrid, bạn hãy chờ những tiếng chuông báo giao thừa rung lên tại Puerta del Sol, hòa mình vào đám đông và ăn 12 quả nho theo 12 tiếng chuông. Ngay sau khoảnh khắc giao thừa thì bạn sẽ được tham gia ngay vào một bữa tiệc âm nhạc sôi động kéo dài tới tận sáng sớm hôm sau.
Phong tục rung chuông 108 lần ở Nhật Bản
Ở xứ sở hoa anh đào, đêm giao thừa gọi là Omisoka diễn ra cùng với những tiếng chuông trong các đền thờ Phật giáo. Tuy nhiên, thay vì rung chuông vài chục lần thì số chuông reo bắt buộc phải là 108, theo Phật giáo đây là con số linh thiêng có thể xua tan đi những cảm xúc tiêu cực. Nếu bạn đang ở Tokyo vào dịp này, hãy đến ngôi đền Zojoji để lắng nghe những tiếng chuông đón năm mới đầy ý nghĩa này.
Lễ Junkanoo ở Bahamas
Junkanoo bắt đầu lúc 2h sáng vào ngày đầu tiên của năm mới, là một dịp không thể bỏ lỡ nếu bạn đang ở thủ đô Nassau vào mùa đông. Lễ hội này có từ thế kỷ 18, khi những nô lệ được phép rời đồn điền để ăn mừng Giáng sinh như một cộng đồng riêng biệt.
Các cuộc diễu hành ồn ào, náo nhiệt sẽ diễn ra tới tận 10h sáng và hiện nay trở thành một lễ hội truyền thống quan trọng của quốc đảo này. Các nhóm vũ công tràn xuống phố, trong khi dàn nhạc công nhiệt tình chơi đàn, trống và huýt sáo.
(Theo Business Insider)