PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, giải thích béo phì làm thay đổi cấu trúc da do tăng cân đột ngột khiến da phải "gồng" theo sự thay đổi của cơ thể. Béo phì dẫn đến sự thay đổi các đặc tính của da. Trong một số trường hợp da còn bị suy yếu. Các tổn thương da do béo phì không được khắc phục sớm sẽ có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm trùng và ung thư hắc tố.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn da ở người béo phì là thường tiết mồ hôi nhiều hơn do diện tích nếp gấp lớn và mô mỡ dưới da dày. Môi trường ẩm ướt này thích hợp cho các phản ứng nhiễm khuẩn da, viêm tại chỗ, viêm kẽ, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm Candida và các loài nấm sợi. Đồng thời, mùi cơ thể gây khó chịu hơn.
Dưới đây là 7 bệnh nhiễm khuẩn về da ở người béo phì gồm 4 bệnh nhiễm khuẩn da gây viêm da mủ do tụ cầu khuẩn và 3 bệnh do liên cầu khuẩn, theo PGS Tuấn.
Nhiễm khuẩn da gây viêm da mủ do tụ cầu khuẩn
- Viêm nang lông nông
Bệnh diễn tiến viêm tại vị trí nông, ở đầu lỗ chân lông. Ban đầu lỗ chân lông người bệnh hơi sưng đỏ, có cảm giác đau, sau đó hình thành mụn mủ nhỏ, xung quanh chân lông có quầng viêm hẹp. Vài ngày sau, các nốt mụn mủ khô và để lại một vảy tiết màu nâu sẫm. Sau cùng, vảy bong tróc đi và không để lại sẹo.
- Viêm nang lông sâu
Biểu hiện của viêm nang lông sâu là xung quanh nang lông bị sưng tấy nhiều cụm, quanh lỗ chân lông có mụn mủ. Mụn mủ có thể mọc rải rác hoặc tập trung thành đám, màu đỏ, cứng cộm, gồ ghề, khi nặn sẽ ra mủ. Viêm nang lông sâu thường tập trung ở vùng cằm, gáy, vùng da đầu... thường tiến triển dai dẳng, hay tái phát.
- Đinh nhọt
Đinh nhọt cũng là một trong những tình trạng viêm nang lông. Nếu nhọt to, mọc nhiều thì người bệnh có thể kèm theo sốt, hạch bạch huyết lân cận sưng đau. Nhọt mọc ở lỗ tai thường rất đau, dân gian còn gọi tên là "đằng đằng". Nhọt ở quanh miệng còn được gọi là đinh râu, rất nguy hiểm vì có thể gây tắc tĩnh mạch, nhiễm khuẩn huyết dễ khiến bệnh nhân tử vong.
Nhọt đinh ở gáy, lưng, mông do tụ cầu vàng có độc tính rất cao, thường gặp ở người già yếu, người nghiện rượu, đái tháo đường, ăn uống kém. Khi vỡ, mủ có nhiều ngòi lỗ chỗ như tổ ong, có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết và tử vong.
- Nhọt ổ gà
Đây cũng là một tình trạng viêm nang lông, kèm theo viêm tuyến mồ hôi, tuyến bã ở vùng nách, tạo thành một túi mủ sâu ở bì và hạ bì. Người bị nhọt ổ gà có tổn thương nổi thành cục, thường ở vùng nách, ban đầu nhọt cứng sau mềm dần, vỡ mủ. Bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều nhọt ổ gà trong một hố nách. Bệnh thường tiến triển dai dẳng, hay tái phát, nhất là về mùa hè.
Nhiễm khuẩn da gây viêm da mủ do liên cầu khuẩn:
- Chốc
Trong bệnh chốc, liên cầu thường phối hợp với tụ cầu gây bệnh, trẻ em bị béo phì dễ mắc bệnh hơn người lớn. Bệnh hay gặp ở đầu, cổ, mặt, các chi, từ đó lan ra các nơi khác, rất dễ lây nên còn gọi là chốc lây. Tổn thương bắt đầu bằng một bọng nước nhỏ, hình tròn, có quầng viêm đỏ. Lúc đầu nước trong, dần dần thành mủ đục. Giai đoạn bọng nước và bọng mủ rất ngắn, sau đó đóng vảy tiết vàng, dưới lớp vảy là một lớp trợt đỏ, nông, không cộm.
Trẻ em bị chốc đầu thành từng đám, vảy vàng sẫm, dính bết tóc, dưới lớp vảy da trợt đỏ, rớm nước. Tổn thương chốc rải rác toàn thân, có thể kèm theo sốt, biến chứng viêm cầu thận cấp, phù nề cẳng chân, mi mắt do viêm cầu thận.
- Chốc loét (Ecthyma)
Đây là thể chốc tổn thương lan sâu đến phần trung bì, thường ở chi dưới, nhất là ở chi có giãn tĩnh mạch. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân vệ sinh kém, có bệnh tiểu đường hoặc nghiện rượu.
Khởi đầu là bọng nước hoặc bọng mủ, sau đó bọng mủ vỡ, đóng vảy dày màu vàng sẫm hoặc nâu đen, có vảy thành nhiều lớp đùn cao lên gọi là vảy ốc. Bóc vảy để lại một vết loét nền tái, rớm mủ, ít nụ thịt, da xung quanh vết loét tái tím, khó lành. Nếu chốc loét nặng lâu ngày có thể thành loét sâu, khi đó vết loét có ranh giới rõ, hình bầu dục, tổ chức da xung quanh xơ cứng, màu tái, diễn biến rất dai dẳng.
- Hăm kẽ (intertrigo)
Hăm kẽ là bệnh hay gặp ở trẻ em mập mạp hoặc người béo, ra mồ hôi nhiều. Tổn thương hay gặp ở nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, rốn, các ngấn da. Bệnh nhân bị hăm kẽ sẽ có nếp kẽ đỏ, rớm dịch, phía ngoài có viền da mỏng, loét chảy nước, chảy mủ gây rất đau rát.
Theo PGS. Tuấn, để tránh những bệnh nhiễm khuẩn về da, trước hết cần phải xác định nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này. Khi có những triệu chứng của bệnh, cần đến cơ sở y tế khám để xác định bệnh và đề phòng biến chứng (viêm cầu thận, nhiễm trùng huyết...). Không tự ý dùng kháng sinh, thuốc bôi, dán cao, đắp lá... Không được cào xước vùng da bị viêm, không chích nặn những mụn đang viêm tấy, chưa hóa mủ.
Duy trì lối sống lành mạnh để không tăng cân quá nhanh. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh lý có khả năng gây tăng cân. Người đang bị béo phì cần kết hợp với bác sĩ để điều trị hiệu quả nhất.
Mỹ Ý