Ngày 26/9, PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết những em này không đạt điểm trung bình 6 kỳ học bậc THPT của các môn trong tổ hợp xét tuyển từ 7 trở lên.
Những năm gần đây, bên cạnh yêu cầu về điểm chuẩn, trường đặt ra tiêu chí về điểm học bạ, công bố trong đề án tuyển sinh, website và fanpage. Tuy nhiên, nhiều thí sinh không chú ý đến điều kiện này, vẫn đăng ký xét tuyển. Đến khi đạt điểm chuẩn, làm thủ tục xác nhận nhập học và trải qua khâu hậu kiểm của trường, các em mới biết không đủ điều kiện.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã gửi công văn, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh kết quả trúng tuyển cho 67 thí sinh trong thời gian xét tuyển đợt 1, đồng thời liên hệ với đại học mà các em trúng tuyển ở nguyện vọng tiếp theo để tạo điều kiện nhập học.
Năm 2020, khoảng 30 thí sinh nộp nguyện vọng vào Đại học Bách khoa Hà Nội cũng rơi vào trường hợp này. Rút kinh nghiệm nhiều em học 2-3 buổi mới nhận thông báo không đủ điều kiện trúng tuyển, năm nay Đại học Bách khoa Hà Nội đã hậu kiểm sớm, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Ông Kiên nhấn mạnh, các em khi nộp nguyện vọng vào trường cần đọc kỹ yêu cầu, tiêu chí phụ, tránh xảy ra trường hợp tương tự.
Điểm chuẩn năm 2021 của Đại học Bách khoa Hà Nội dao động 23,25-28,43, cao nhất là ngành Khoa học máy tính (IT1). Ngành Quản trị kinh doanh chương trình liên kết với Đại học Troy (Mỹ) lấy thấp nhất.
Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 7.400 sinh viên cho 59 chương trình đào tạo. Ban đầu, trường dự kiến xét tuyển bằng ba phương thức gồm xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức. Tuy nhiên, do Covid-19, trường phải hủy kỳ thi kiểm tra tư duy, dành toàn bộ chỉ tiêu của phương thức này cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trước đó 55/58 thí sinh đạt 29,5 điểm trở lên trượt nguyện vọng vào trường công an do không đạt tiêu chuẩn về học bạ (học lực từ trung bình trở lên, các môn thuộc tổ hợp từ 6,5 điểm trở lên).
Xuân Hoa