Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng là thành viên cuối cùng của Chính phủ đăng đàn tại kỳ họp lần này, nhằm cung cấp thêm thông tin về tình hình kinh tế xã hội, việc triển khai các gói kích cầu, nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo và chuẩn bị giải pháp cho thời kỳ phát triển sau suy giảm.
Riêng về vấn đề bô xít, cuối tháng 5, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá. Trong các buổi thảo luận của Quốc hội, những vấn đề liên quan tới hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng... của các dự án cũng đã được đề cập. Tuy nhiên, trước sự quan tâm của nhiều đại biểu và cử tri cả nước, Chính phủ tiếp tục giải đáp thêm về vấn đề này.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa nhấn mạnh thăm dò, khai thác, chế biến bô xít là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước từ hơn chục năm nay. Việt Nam có tiềm năng lớn, với trữ lượng hàng đầu thế giới 5,5 tỷ tấn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đã xây dựng quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025. Trong đó đã đề cập đến các yêu cầu về hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như môi trường văn hoá, xã hội và hợp tác đầu tư với nước ngoài của các dự án. Đặc biệt quan tâm bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.
Trong các phiên thảo luận trước, nhiều đại biểu thắc mắc về việc Chính phủ không xin ý kiến Quốc hội trước khi triển khai các dự án này. Phó thủ tướng lý giải, theo các quy định hiện hành, Quốc hội không yêu cầu Chính phủ báo cáo về quy hoạch. Tuy vậy, Chính phủ cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến đóng góp. "Những việc làm đó là đúng pháp luật, đúng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, minh bạch, trong sáng, cầu thị và có trách nhiệm", đại diện Chính phủ nhấn mạnh.
Đáng chú ý trong phiên đăng đàn sáng nay, lần đầu tiên Chính phủ công khai số lượng lao động Trung Quốc trên các dự án bô xít Tây Nguyên. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đến ngày 1/6, trên cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, có 667 người lao động nước ngoài, trong đó 4 công dân Australia và 663 công dân Trung Quốc, làm việc theo pháp luật Việt Nam. Số lao động này sau khi xây dựng xong, bàn giao nhà máy, chuyển giao công nghệ và quản lý vận hành cho phía Việt Nam, sẽ trở về nước. Ông khẳng định, cả hai dự án do Việt Nam tự đầu tư, không liên doanh, lựa chọn nhà thầu thiết kế thi công qua đấu thầu quốc tế công khai, đơn vị trúng thầu là một công ty Trung Quốc có uy tín.
Liên quan tới tình hình kinh tế xã hội, Phó thủ tướng cho rằng, gần đây, một số dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện ở các nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo ông, xu thế cải thiện vẫn còn mờ nhạt, chưa chắc chắn. Còn quá sớm để khẳng định khủng hoảng đã qua. Quá trình phục hồi kinh tế có thể sẽ còn kéo dài vài ba năm nữa.
Kinh tế trong nước tuy chưa rơi vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nhưng mức suy giảm là khá nặng và vẫn còn nguy cơ tái lạm phát. Vì vậy, theo Phó thủ tướng, phải chấp nhận tăng bội chi ngân sách để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế và tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp sau. Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 cũng cần điều chỉnh.
Phó thủ tướng cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% là hợp lý. Riêng bội chi sẽ phải điều chỉnh xuống mức thấp nhất trong khả năng, nhất là khi diễn biến giá dầu thô (nguồn thu quan trọng của ngân sách) có xu hướng tăng lên. Nhiều khả năng, tỷ lệ bội chi sẽ được điều chỉnh xuống khoảng 7% GDP, thay vì mức 8% GDP như đề nghị của Chính phủ đầu kỳ họp.
Tổng trị giá các gói kích thích kinh tế của Việt Nam hiện vào khoảng 145 nghìn tỷ đồng (tương đương 9% GDP), được thực hiện từ các nguồn đã bố trí trong ngân sách nhà nước, nguồn ứng trước, dự trữ ngoại hối và nguồn phát hành vay dân. Phó thủ tướng nhấn mạnh tất cả các nguồn tiền đó đã có trong lưu thông, không phải phát hành thêm. Chính phủ đang chỉ đạo khắc phục kịp thời các vướng mắc, bổ sung các giải pháp và kiểm tra chặt chẽ để ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, sử dụng các nguồn vốn kích cầu sai mục đích và lãng phí.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung đánh giá tác động của khủng hoảng và dự báo những biến đổi của kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường để qua đó xác định mô hình phát triển và các nội dung tái cấu trúc nền kinh tế. Đề án cũng sẽ đề xuất các chính sách, cơ chế, giải pháp nhằm: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao tiềm lực kinh tế của đất nước; bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh, cân đối, hiệu quả, tiết kiệm, bền vững và xử lý nhanh các ''điểm nghẽn'' phát triển. Đào tạo nguồn nhân lực cũng là một nội dung trong đề án này.
Kỳ Duyên