Kết quả được nêu tại hội nghị tổng kết Chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2014 -2020, tổ chức trực tuyến sáng 8/12. Chương trình do Đại học Quốc gia TP HCM phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện dưới sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chương trình có mục tiêu nghiên cứu cung cấp luận cứ, đề xuất và triển khai giải pháp khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững khu vực Tây Nam Bộ, nơi vốn có nhiều tiềm năng nhưng chưa được đầu tư phát triển tương xứng.
Đã có 62 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, 21 đề tài khoa học xã hội và phát triển bền vững cho khu vực Tây Nam Bộ được thực hiện. Các đề tài đã được bàn giao cho các cơ quan, địa phương ứng dụng thực tế.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre đánh giá Chương trình Tây Nam Bộ đã giúp địa phương có những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Bến Tre thực hiện 12 nhiệm vụ khoa học công nghệ, nổi bật nhất là ứng dụng mô hình nuôi tôm bền vững bằng công nghệ nano, giúp quản lý tốt9 dịch bệnh, giảm chi phí, năng suất cao, sản phẩm tôm chất lượng cao mà không cần sử dụng hóa chất.
Theo ông Buội, Bến Tre là tỉnh thiệt hại nặng nề do thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Chương trình Tây Nam Bộ đã nghiên cứu đề tài và đưa vào ứng dụng túi trữ nước ngọt cho người dân, mỗi túi chứa đến 15 m3 nước. Sau khi triển khai, người dân ở đây không thiếu nước sinh hoạt mà còn có nước phục vụ sản xuất.
Một số mô hình đạt hiệu quả cao khi ứng dụng khác được ông Nguyễn Văn Buội chia sẻ là mô hình nuôi bò sữa tại Ba Tri, nuôi dê sinh sản và dê thịt. Mô hình trồng lúa xen canh tôm càng xanh trên 5.000 ha cho lợi nhuận gấp 7-10 lần so với trồng lúa, đồng thời cải thiện môi trường, chất lượng tôm và lúa gạo cao. Mô hình nuôi tôm quảng canh trong rừng ngập mặn đạt năng suất 700 kg/ha so với 250 kg/ha trước đây...
Ông Trình Trung Phi, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc, Phó Chủ tịch Liên minh tôm sạch và Bền vững Việt Nam cho biết, bệnh trên tôm luôn là nỗi ám ảnh của người nông dân. Thách thức của ngành nuôi tôm hiện nay là tôm chết xảy ra thường xuyên. Người dân sử dụng kháng sinh để hạn chế tôm chết dẫn đến mối nguy lớn cho an toàn thực phẩm. "Lần đầu tiên trên thế giới, Việt Nam nghiên cứu được que thử phát hiện nhanh hai độc tố cơ bản trong nuôi tôm gồm Tox A và Tox B của vi khuẩn Vibruo parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi ở Tây Nam Bộ" - kết quả từ đề tài trong Chương trình Tây Nam Bộ đã giải quyết được vấn đề này, ông Phi nói.
Rất nhiều nghiên cứu trong Chương trình đã giải bài toán khác trong nuôi tôm như nghiên cứu của TS Nguyễn Hữu Thanh, Đại học An Giang đã xây dựng quy trình sản xuất Prebiotic từ vi khuẩn lactic ứng dụng trong sản xuất thức ăn cho tôm nhằm hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp; TS Phùng Văn Trung, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đã nghiên cứu sàng lọc và chế tạo chế phẩm phòng và trị bệnh chính của cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh tại vùng Tây Nam Bộ từ cây dược liệu để có thủy sản sạch; TS Đoàn Đức Chánh Tín, Viện công nghệ Nano - ĐHQG TP HCM xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long dựa trên kiểm soát và xử lý nước ao nuôi tôm bằng vật liệu và công nghệ nano.
"Các nghiên cứu này đã lấp lỗ hổng trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, đem lại giá trị cao cho người nông dân. Sau khi áp dụng, nhiều hộ nông dân đã gia tăng thu nhập đến 100%", ông Trình Trung Phi nói.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, các đơn vị đã nỗ lực phối hợp với Bộ thực hiện chương trình trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. Các nghiên cứu đã góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của vùng Tây Nam Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Giang đề nghị các đơn vị, sở ngành và cộng đồng doanh nghiệp vùng Tây Nam Bộ cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tạo điều kiện ứng dụng và nhân rộng các mô hình vào thực tế. "Chúng tôi sẽ cùng với các đơn vị liên quan, các địa phương xây dựng khung chương trình cho giai đoạn 5 năm, 10 năm tới dựa trên các trụ cột khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của khu vực", Thứ trưởng Giang nói.
Hà An - Tô Hội