Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), ngành y tế đang tiếp tục điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc bệnh nhân này.
Đây là thanh niên 25 tuổi, địa chỉ tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, là F1 của "bệnh nhân 3219". Bệnh nhân vào TP HCM du lịch từ 30/4 đến 4/5. Anh tham quan nhiều địa điểm, ăn uống ở nhiều quận, đến rạp chiếu phim, karaoke... ở TP HCM.
Trong ba giả thiết về thời gian lây nhiễm Covid-19 của trường hợp này, gồm trước, trong hoặc sau khi đến TP HCM, các chuyên gia nghiêng nhiều về khả năng sau khi từ TP HCM về Đà Nẵng, người này bị lây nhiễm tại gia đình, sau đó xét nghiệm dương tính. Nguyên nhân là do nhóm bạn đi chơi chung với bệnh nhân tại TP HCM có kết quả xét nghiệm âm tính.
Như vậy, thành phố không có ổ dịch cộng đồng từ sau ổ dịch Tân Sơn Nhất vào tháng 2/2021 đến nay. Trong đợt dịch đang bùng phát cả nước, TP HCM chỉ mới ghi nhận một ca nhiễm cộng đồng, liên quan cụm dịch Hà Nam.
Thành phố tiếp tục giám sát người sau cách ly về cư trú, đang giám sát 23 bệnh nhân sau xuất viện, lấy mẫu xét nghiệm thành viên tổ bay của các chuyến bay quốc tế lưu trú tại đây.
Ngày 11/5, ngành y tế triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên có nguy cơ làm việc tại cảng biển. Tổng số người được tiêm trong chiến dịch đợt hai là 58.056. Chiến dịch tiêm đợt hai đã cơ bản hoàn thành. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi, hiện tất cả đều ổn định.
Từ ngày 30/4, TP HCM mở rộng lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên các khu vực nguy cơ như bệnh viện, khu du lịch, chợ, sân bay, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ vận chuyển, khu chế xuất... 13.434 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính. Lấy mẫu giám sát người đến từ các tỉnh, thành khác sau dịp nghỉ lễ, 2.463 mẫu đã có kết quả âm tính.
4.045 người đang cách ly tập trung, 720 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Thành phố tiếp tục tổ chức khai báo y tế cho người về từ các địa phương, khu vực có ca bệnh, bị giãn cách, theo dõi y tế.
HCDC đánh giá nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất cao, cần nâng mức cảnh báo dịch cao nhất, chuẩn bị, sẵn sáng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.