Theo Hội đồng hương Long An tại TP HCM, người dân đăng ký về quê cần có giấy test nhanh âm tính Covid -19; phải cách ly tập trung 14 ngày, tự trả chi phí gần 3,9 triệu đồng. Dự kiến, đầu tháng 8, tỉnh cho ôtô đón hơn 1.000 người về.
Tại Bến Tre, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, ngày 30/7, tỉnh sẽ dùng ôtô đón khoảng 1.400 người từ TP HCM về quê với điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trong thời hạn 3 ngày. Khi về địa phương, bà con sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày và dõi tại nhà thêm 7 ngày.

Trường học mới xây dựng xong tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ được trưng dụng làm khu cách ly. Ảnh: Cửu Long
Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, sẽ bố trí xe đến các địa điểm tập kết ở TP HCM và Bình Dương để đón khoảng 1.000 người rồi đưa về khu cách ly tập trung tại. Địa phương có gần 40 khu cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận 5.000 người, đang có hơn 2.000 người cách ly.
Kiên Giang, Hậu Giang và Cà Mau cũng đang lên kế hoạch đón hàng nghìn công dân tại tâm dịch của cả nước về địa phương. Trong đó, khoảng 800 người Kiên Giang ở Sài Gòn đang có nhu cầu về quê.
Đến chiều nay, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận 10.651 ca nhiễm, chiếm 9,6% tổng số ca nhiễm cả nước (110.436 ca). Các tỉnh này cùng TP HCM (72.740 ca) và 5 tỉnh khác ở Đông Nam Bộ đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Hoàng Nam - Cửu Long