Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov mới đây cho biết trong giai đoạn 2018-2017, quân đội Nga sẽ tiếp nhận 6 siêu vũ khí hiện đại nhất, có sức mạnh vượt trội so với các hệ thống tương tự hiện nay và trong tương lai của phương Tây, theo RT.
Tên lửa RS-28 Sarmat
Vụ phóng thử tên lửa Sarmat được Nga công bố hồi tháng 3.
RS-28 Sarmat là một trong số vũ khí hiện đại được nhắc đến nhiều nhất của Nga. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) này nằm trong số các siêu vũ khí được Tổng thống Vladimir Putin công bố trong thông điệp liên bang hồi tháng 3.
RS-28 Sarmat được phát triển để thay thế R-36M2 Veovoda, dòng ICBM khổng lồ nặng 210 tấn được phát triển từ thời Liên Xô. Một quan chức Nga giấu tên cho biết Sarmat có tầm bắn trên 11.000 km, mang được 10-15 đầu đạn hạt nhân với tổng lượng nổ tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, cùng nhiều thiết bị mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương để tấn công mọi nơi trên thế giới.
Các đầu đạn có tốc độ tối đa 24.900 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau. Chúng có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị đánh chặn. Truyền thông phương Tây gọi đây là "vũ khí ngày tận thế" và cảnh báo nó có thể dễ dàng xuyên thủng lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ.
RS-28 Sarmat đang trong quá trình thử nghiệm. Bộ Quốc phòng Nga cho biết hiệu suất của nó đã được kiểm chứng trong hai lần thử nghiệm. Hồi tháng 5, Tổng thống Putin tiết lộ vũ khí này sẽ được triển khai năm 2020.
Nga dự tính trang bị phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard với tốc độ 25.000 km/h để tăng tầm bắn hiệu quả và uy lực cho Sarmat.
Tiêm kích tàng hình Su-57
Tiêm kích tàng hình Su-57 nhào lộn, phóng tên lửa.
Ngoài tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, quân đội Nga sắp tới sẽ tiếp nhận thêm một số vũ khí thông thường rất uy lực, một trong số đó là tiêm kích tàng hình Su-57.
Hồi cuối tháng 6, quân đội Nga đã ký một hợp đồng tiếp nhận 12 tiêm kích loại này và dự kiến được bàn giao vào năm 2019.
Được thiết kế để thay thế tiêm kích đa nhiệm Su-27, Su-57 sở hữu hệ thống điện tử cho phép tự tính toán trên chiến trường để hỗ trợ phi công. Tiêm kích mới của Nga sẽ được trang bị công nghệ tàng hình, sử dụng rộng rãi vật liệu tổng hợp và radar cải tiến. Vũ khí chính của chiến đấu cơ này được giấu trong khoang trong thân, cùng một số vũ khí khác được gắn ở giá treo bên ngoài.
Su-57 cũng sẽ được trang bị động cơ mới dành riêng cho tiêm kích thế hệ 5. Theo tạp chí Military Watch Magazine, Su-57 có lợi thế đáng kể ở tốc độ, trần bay, hệ thống cảm biến, khả năng mang tên lửa, tầm tấn công và khả năng cơ động so với tiêm kích F-35 Mỹ.
Siêu tăng T-14 Armata
Dàn xe tăng T-14 Armata thể hiện khả năng cơ động và hỏa lực.
Quân đội Nga dự kiến được trang bị 100 xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata vào năm 2020. Điểm nổi bật của xe tăng T-14 là tháp pháo hoàn toàn tự động, trang bị pháo 125 mm có thể diệt mục tiêu ở cách 7 km với tốc độ khai hỏa 12 phát/phút. Khoang lái của T-14 được thiết kế hoàn toàn tách biệt với khoang đạn dược, giúp nâng cao khả năng sống sót của kíp lái trong trường hợp xe tăng bị trúng đạn.
Ngoài ra, T-14 Armata còn được trang bị giáp đa lớp thụ động kết hợp với giáp phản ứng nổ và hệ thống bảo vệ chủ động. Hệ thống phòng thủ chủ động Afghanit được tích hợp các radar sóng mm có khả năng phát hiện, theo dõi và ngăn chặn những viên đạn chống tăng đang lao tới.
Kết hợp những tính năng này, xe tăng Armata giúp kíp lái có cơ hội sống sót cao trong các tình huống nguy hiểm nhất. Hệ thống cảm biến hiện đại và camera độ nét cao giúp tổ lái quan sát và nắm tình hình chiến trường theo thời gian thực.
Trong tương lai, siêu tăng này có thể được trang bị thêm máy bay không người lái để tăng cường khả năng trinh sát, phát hiện địch từ xa.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-500
Radar Yenisei của tổ hợp S-500.
Trong tương lai gần, hệ thống phòng không S-400, trụ cột trong hệ thống phòng thủ tầm xa của Nga hiện nay, có thể sẽ được thay thế bằng tổ hợp S-500 hiện đại hơn.
S-500 được phát triển dựa trên tên lửa phòng thủ chiến lược S-400, với những tính năng được đánh giá vượt trội so với các vũ khí cùng loại trên thế giới. Khác với các loại tên lửa phòng không hiện có của Nga như S-400 chuyên thực hiện nhiệm vụ phòng không, A-135 chuyên nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo, S-500 được thiết kế để có thể thực hiện hai nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa đạn đạo cùng lúc.
Theo một số báo cáo, S-500 có thể tấn công các mục tiêu từ khoảng cách 480 km, mỗi đơn vị có thể phát hiện và tiêu diệt đồng thời 10 đầu đạn hạt nhân bay ở tốc độ 23.400 km/h, cũng như bắn hạ tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ.
Ngoài ra, S-500 còn được phát triển để bắn hạ được những thiết bị vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, cũng như các mục tiêu trong không gian nhằm đối phó với vũ khí vũ trụ của Mỹ. S-500 đang trong giai đoạn phát triển nâng cao và có thể được triển khai vào năm 2020.
Hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol
Trước việc Mỹ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa trên toàn cầu, Nga quyết định nâng cấp lá chắn phòng thủ tên lửa, đặc biệt là các hệ thống bảo vệ thủ đô Moskva. Tuy nhiên, Nga đến nay công bố rất ít thông tin về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo A-235 Nudol mới.
Theo TASS, A-235 Nudol có thể bảo vệ các vùng lãnh thổ Nga trước đòn tấn công của nhiều đầu đạn hạt nhân, cũng như đánh chặn mọi tên lửa ICBM hiện đại trang bị các hệ thống được thiết kế chuyên xuyên thủng lá chắn tên lửa. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể bắn hạ vệ tinh trong không gian.
Thiết bị gây nhiễu vệ tinh Tirada-2
Tirada-2 là vũ khí tác chiến điện tử mới nhất của Nga, đóng vai trò rất quan trọng trong bất cứ cuộc xung đột hiện đại nào nhờ khả năng gây nhiễu vệ tinh.
Tirada-2 có thể vô hiệu hóa các vệ tinh, khiến đối phương mất phương tiện liên lạc hiện đại. Vũ khí này được cho là sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh chiến đấu trên chiến trường hiện đại, nơi có phương tiên liên lạc đóng vai trò then chốt trong hoạt động tác chiến.
Duy Sơn