Theo Guardian, Oxfam hôm nay công bố báo cáo cho thấy 6 quốc gia giàu nhất thế giới, chiếm 56,6% GDP toàn cầu chỉ chấp nhận 2,1 triệu người tị nạn, trong đó 1/3 đang ở Đức, số còn lại phân bố tại 5 quốc gia khác.
Oxfam là liên minh quốc tế của 17 tổ chức tại 94 quốc gia trên thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công.
Số người tị nạn tại vương quốc Anh chỉ có 168.937, bị đánh giá là "đáng xấu hổ", theo Mark Goldring, giám đốc điều hành của Oxfam tại Anh.
Hơn một nửa số người tị nạn, gần 12 triệu người, sống ở Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Pakistan, Lebanon và Nam Phi, mặc dù tổng GDP của những quốc gia này chiếm chưa đầy 2% thế giới.
Oxfam kêu gọi chính phủ các nước giàu tăng số người tị nạn ở nước mình, đồng thời giúp đỡ các nước nghèo đang cung cấp nơi ăn chốn ở cho người tị nạn.
"Đây là một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta, các nước nghèo và người nghèo bị bỏ mặc, trách nhiệm đặt nặng trên vai", ông Goldring nói.
"Đây là một cuộc khủng hoảng phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu, trong đó các nước giàu nên san sẻ công bằng bằng cách chào đón thêm nhiều người tị nạn hơn, giúp đỡ và bảo vệ họ nhiều hơn, bất kể họ đang cư trú tại đâu".
"Hơn bao giờ hết, Anh phải thể hiện mình là một xã hội cởi mở, khoan dung, chuẩn bị tốt cho vai trò xử lý cuộc khủng hoảng di cư. Thật đáng xấu hổ khi bản thân là một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới, nhưng Anh chỉ cung cấp nơi trú ẩn cho chưa đầy 1% người tị nạn".
Theo báo cáo năm ngoái của Liên Hợp Quốc, hơn 65 triệu người đã phải tha hương do bạo lực, chiến tranh và vi phạm nhân quyền, con số cao nhất trong lịch sử được ghi nhận. Trong số 40,8 triệu người phải rời bỏ đất nước có 21,3 triệu người tị nạn, 3,2 triệu người đang xin tị nạn ở các nước công nghiệp phát triển.
Số người bỏ đi vì xung đột tại Syria chiếm phần lớn, tiếp theo là ở Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Nigeria, Nam Sudan và Yemen.
Nhiều người bỏ chạy sang các nước láng giềng như người Syria chạy sang Jordan hay Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hai quốc gia này trở thành nơi có số người tị nạn đông nhất thế giới, lần lượt là 2,8 triệu và 2,75 triệu.
Xem thêm: Bên trong thế giới buôn người di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ
Hồng Hạnh