Kong: Skull Island (2017)
Kong: Skull Island là phim mới nhất về King Kong của Hollywood, có ngân sách 190 triệu USD. Phim là dự án thứ hai thuộc vũ trụ điện ảnh về quái thú của Warner Bros, nối tiếp Godzilla năm 2014. Bom tấn ghi hình khoảng một tháng tại Việt Nam, từ 23/2/2016 đến cuối tháng ba.
Nhìn chung, tác phẩm là cuộc phiêu lưu đẹp mắt trên bối cảnh non nước Việt Nam. Hiện trên chuyên trang Rotten Tomatoes, 79% bài đánh giá đưa ra phản hồi tích cực về phim. Con số này gần bằng King Kong (2005) của Peter Jackson (84%).
* Trailer cuối tràn ngập cảnh hỗn chiến của "Kong: Skull Island"
Nhà phê bình Owen Gleiberman của Variety khen: "Tác phẩm tốt hơn mọi bản phim làm lại về Kong trước đây. Toàn bộ tác phẩm chỉ diễn ra ở Đảo đầu lâu (quê nhà của Kong) mà không dàn trải sang những bối cảnh thành phố chọc trời là New York, Dubai như các phim cũ. Cốt truyện nén chặt nhiều pha hành động, đẹp mắt và gây phấn khích". Tờ Hollywood Reporter nhận định: "Mọi yếu tố cần thiết cho một phim về quái vật đều xuất hiện vừa đủ trong bom tấn này. Phim súc tích và có diễn tiến nhanh thay vì dài dòng. Đây là điều hiếm thấy trong dòng phim về quái vật".
* Khỉ Kong lộ diện trên bối cảnh Việt Nam
Mặc dù vậy, hai tờ Guardian và Independent không đánh giá cao tác phẩm. Cây bút Peter Bradshaw của tờ Guardian cho rằng Tom Hiddleston phí tài năng trong một phim ngớ ngẩn. Tờ Independent lại cho rằng phim làm fan mất vui khi cắt bỏ những cảnh khỉ Kong khổng lồ chiến đấu với trực thăng trong thành phố - chi tiết quen thuộc trong cốt truyện ở những bản trước.
King Kong (2005)
* King Kong chiến đấu với máy bay
Đạo diễn Peter Jackson là một người hâm mộ nhiệt thành của King Kong từ khi còn bé. Theo cuốn King Kong: The History of a Movie Icon, chính phim kinh điển năm 1933 là niềm cảm hứng để ông theo nghiệp điện ảnh. Jackson lên kế hoạch làm lại King Kong từ trước cả khi thực hiện Lord of the Rings, nhưng mãi đến năm 2004 ông mới có thể khởi quay.
Với kinh phí 207 triệu USD - kỷ lục thế giới khi đó, tác phẩm của Peter Jackson có hiệu ứng đẹp mắt. Khỉ Kong được dựng tỉ mỉ đến từng chi tiết và có những biểu cảm tinh tế nhờ công nghệ motion capture (ghi lại các chuyển động trên khuôn mặt nghệ sĩ biểu đạt). Chuyện phim cảm động giống bản gốc, diễn xuất của Adrien Body và Naomi Watts đều được đánh giá cao. Dù vậy, một số ý kiến chê thời lượng phim quá dài – 187 phút. Tác phẩm thu về 550 triệu USD trên toàn cầu, trở thành bom tấn ăn khách thứ tư trong năm 2005.
King Kong (1976)
* King Kong âu yếm người đẹp Jessica Lange
Bộ phim năm 1976 giữ nguyên hầu hết chi tiết trong phiên bản gốc nhưng có cách tiếp cận hài hước và hiện đại hơn. King Kong trong phim này có dáng vẻ khá thô bởi thực hiện bằng cách cho diễn viên khoác bộ áo khỉ. Tuy nhiên, phần biểu cảm của vua khỉ khá tốt nhờ bảy chiếc mặt nạ với cảm xúc khác nhau.
Trong vai diễn đầu tay, nữ diễn viên chính Jessica Lange nổi bật và được xem là điểm sáng của phim. Nhà phê bình Pauline Kael ca ngợi diễn xuất vui nhộn của bà. Theo Box Office Mojo, King Kong có doanh thu cao thứ bảy trong năm 1976. Tác phẩm giành giải Oscar “Kỹ xảo xuất sắc”, đồng thời được đề cử ở các hạng mục “Quay phim xuất sắc” và “Âm thanh xuất sắc”.
King Kong vs. Godzilla (1962)
* Trailer "King Kong vs. Godzilla"
Suốt nhiều năm, khán giả không ngớt tranh luận về sức mạnh giữa hai quái vật huyền thoại King Kong và Godzilla. Trận chiến của chúng diễn ra trong King Kong vs. Godzilla – phim đầu tiên về khỉ Kong do Nhật sản xuất. Một nhóm sản xuất chương trình truyền hình phát hiện vua khỉ trên một hòn đảo xa xôi. Cùng lúc đó, một tàu ngầm làm vỡ băng, giải phóng sinh vật thời tiền sử Godzilla.
Godzilla tiến về Nhật Bản, gieo rắc nỗi kinh hoàng suốt dọc đường. Để đối phó, quân đội Nhật đưa King Kong tới và để hai con quái vật đánh nhau trên núi Phú Sĩ. Lúc đầu, Godzilla chiếm ưu thế, nhưng rồi King Kong hút năng lượng điện từ một đám mây gần đó và gia tăng sức mạnh. Trận chiến kết thúc bất phân thắng bại và cả hai đều trở về quê nhà.
Tác phẩm năm 1962 mang đậm phong cách của dòng phim kaiju (các phim quái vật do Nhật sản xuất) với câu chuyện rời rạc, song gây ấn tượng với trận chiến cuối cùng hoành tráng. Sau gần 60 năm, vua khỉ sẽ có dịp tái đấu cùng quái thú Godzilla trong phim Godzilla vs. Kong dự kiến ra mắt năm 2020.
Son of Kong (1933)
* "Con trai của Kong" đại chiến thằn lằn khổng lồ
Sau thành công của King Kong (1933), hãng RKO Radio Pictures nhanh chóng thực hiện phần hai - Son of Kong. Chuyện phim xoay quanh hành trình kiếm tiền trả nợ của đạo diễn Carl Denham (Robert Armstrong) – người bị kiện vì gây ra sự cố trong phần một. Ông trở lại Đảo đầu lâu, nhưng lần này chỉ tìm được một chú khỉ cao gấp đôi người thường, được gọi là “con trai của Kong”.
Phần lớn êkíp và diễn viên cũ đều quay lại, nhưng họ không thể tái lập thành công của phần đầu. Một phần nguyên nhân là thời gian sản xuất quá nhanh (phim ra mắt chỉ chín tháng sau King Kong). Mặc dù vậy, Son of Kong vẫn có những màn kỹ xảo đẹp mắt so với mặt bằng chung của điện ảnh đương thời, tiêu biểu như trận động đất phá hủy đảo và trận chiến giữa “con trai vua khỉ” và bầy khủng long. Nhiều fan cũng yêu thích Son of Kong vì đây là phim duy nhất có các tình tiết liên kết với phim kinh điển năm 1933.
King Kong (1933)
* King Kong leo lên tòa nhà Empire State
Tác phẩm đầu tiên về vua khỉ được xem là kinh điển trong dòng phim quái vật. King Kong được Viện phim Mỹ (AFI) xếp thứ ba trong danh sách các phim viễn tưởng xuất sắc trong lịch sử. Câu chuyện xoay quanh một đoàn làm phim mạo hiểm đến Đảo đầu lâu để ghi hình. Tại đây, diễn viên Ann Darrow (Fay Wray đóng) bị thổ dân bắt cóc để hiến tế cho King Kong – một con khỉ khổng lồ hung tợn sống trong rừng già. Tuy nhiên, vua khỉ lại nảy sinh cảm tình với cô gái trẻ và bảo vệ Ann khỏi những quái vật khác.
Khi công chiếu, King Kong gây choáng ngợp về kỹ xảo đẹp mắt, đặc biệt trong trận chiến cuối cùng giữa Kong và các máy bay trên tòa nhà Empire State (New York). Vua khỉ được thể hiện bằng công nghệ stop-motion (lồng ghép những tấm ảnh tĩnh tạo thành phim động) đột phá vào thời điểm bấy giờ. Sau hơn 80 năm, kỹ xảo phim đã lỗi thời nhưng câu chuyện về mối quan hệ đặc biệt giữa người và thú vẫn còn khiến khán giả cảm động.
Ân Nguyễn