Đa số mọi người uống thuốc đều chú ý tới cách sử dụng và liều lượng thuốc nhưng lại ít để ý tới nhiệt độ nước dùng để uống kèm. Trên thực tế, không nên dùng nước nóng để uống thuốc vì có thể gây ra các phản ứng vật lý hoặc hóa học làm ảnh hưởng tới hiệu quả thuốc.
Dưới đây là 6 loại thuốc bạn tuyệt đối không uống cùng nước nóng, theo People.
Enzyme tiêu hóa và vắcxin
Các loại enzyme hỗ trợ tiêu hóa có protein hoạt tính khi gặp nhiệt độ cao sẽ bị phân tách, từ đó giảm hoặc mất tác dụng. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra với vắcxin và các chế phẩm có vi khuẩn hoạt tính cao. Tốt nhất, những loại thuốc này nên được dùng với nước đun sôi để nguội dưới 40 độ C.
Vitamin
Những loại vitamin C, B1, B2... có tính chất không ổn định nên khi tiếp xúc với nước nóng dễ bị oxy hóa, phân giải và mất đi hiệu quả.
Thuốc viên nang
Thành phần chính của vỏ viên nang là gelatin. Gặp nước nóng, vỏ viên nang sẽ nhanh chóng hòa tan làm cho thuốc bên trong lan ra, không chỉ ảnh hưởng tới khẩu vị mà còn giảm tính hiệu quả và an toàn của thuốc. Do đó, các thuốc viên nang được khuyến khích sử dụng với nước ấm vừa phải.
Si-rô
Các loại si-rô như si-rô ho dễ bị nước nóng làm loãng. Lúc đó, thuốc không thể bao phủ những bộ phận bị viêm như để tạo thành lớp màng bảo vệ, kích thích long đờm và giảm ho. Nếu uống si-rô, bạn lưu ý không dùng quá nhiều nước và đảm bảo nhiệt độ nước dưới 37 độ C.
Thảo dược
Các loại thuốc thảo dược với thành phần như cây kim ngân hoa, Bupleurum, Schizonepeta, xạ hương, bạc hà... có mùi hương đặc trưng và chứa nhiều tinh dầu có giá trị. Tuy nhiên, chúng thường bay hơi nhiều, đặc biệt khi gặp nhiệt độ cao nên chỉ nên uống cùng nước có nhiệt độ không quá 40 độ C.
Kháng sinh Amoxcilin
Amoxcilin dễ bị thủy phân mà nhiệt độ càng cao, tốc độ thủy phân càng tăng. Sự hình thành cao phân tử Polymer sau khi thủy phân có thể gây ra các triệu chứng dị ứng tương tự Penicilin. Vì vậy, khi uống Amoxcilin, nhiệt độ nước cần phải được kiểm soát dưới 40 độ C hoặc dùng với nước đun sôi để nguội.
Nguyễn Xuân