Sáng 17/3, Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam lần thứ hai tại TP HCM thu hút hơn 300 doanh nghiệp tham gia ở cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết nước này đang tự định vị là động lực thúc đẩy sự hồi sinh kinh tế toàn cầu sau Covid-19 và đang hành động để thực hiện mục tiêu trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD.
Ông cho biết ngân sách hàng năm mới nhất của Ấn Độ đặt ra kế hoạch chi tiết cho sự phát triển quốc gia trong 25 năm tới, tập trung vào ba ngành dọc chính là đầu tư, cơ sở hạ tầng và đổi mới. Việc tăng cường năng suất, chuyển đổi năng lượng, chăm sóc sức khỏe và công nghệ mới nổi sẽ được quan tâm.
"Mối quan hệ đầu tư của hai bên dự kiến phát triển khi doanh nghiệp và các ngành tìm kiếm cơ hội với kỳ vọng lớn hơn", ông Pranay Verma nhận định.
![Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu sáng 17/3. Ảnh: ITPC](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/03/17/img-2660-jpg-1647506873-164750-1179-4368-1647507056.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DNwsm9Ny0A4EtJy21tX9iA)
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu sáng 17/3. Ảnh: ITPC
Bà Sumita Dawra, Tổng cục trưởng chuyên trách Cục xúc tiến Công nghiệp và Nội dung (DPIIT) cho biết nước này có những sản phẩm, chương trình ưu đãi trong lĩnh vực sản xuất điện tử. Chương trình phát triển ngành bán dẫn bền vững cũng đã được triển khai. Chính phủ cũng đã cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 100% vốn vào nông nghiệp, từ trồng trọt đến chế biến thịt, sữa.
Ông Harsh Vardhan, chuyên gia lĩnh vực nông sản và thực phẩm Invest India cho biết thêm mục tiêu của Ấn Độ là trở thành vựa thực phẩm toàn cầu. "Chúng ta có thể hợp tác với nhau trong lĩnh vực canh tác, chế biến, tiêu thụ nông sản thích ứng với biển đổi khí hậu, phát triển bền vững, có ứng dụng công nghệ (kỹ thuật số, IoT, AI, Drone...)", ông nêu ví dụ.
Tính đến tháng 2, Ấn Độ đứng thứ 25/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 315 dự án còn hiệu lực, tổng vốn hơn 918 triệu USD, tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện và khai khoáng.
Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn hơn 6 triệu USD, chủ yếu là bán buôn bán lẻ, đứng thứ 42/78 quốc gia mà Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài.
Từ 200 triệu USD vào năm 2000, thương mại song phương Ấn Độ - Việt Nam đã liên tục đạt trên 10 tỷ USD trong vài năm qua. Chỉ trong 5 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016, thương mại song phương đã tăng gần gấp đôi và vượt 13 tỷ USD vào 2021.
Sau khi hai nước từng bước gỡ bỏ giãn cách do đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại năm 2021 tăng 36,5% so với cùng kỳ 2020, đạt 13,2 tỷ USD và khả năng cao sẽ đạt mục tiêu 15 tỷ USD trong năm 2022.
Một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong cả năm 2021 gồm chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, cao su, than đá, đặc biệt là điện thoại di động, linh kiện điện tử.
Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, cho rằng mức độ hợp tác kinh tế vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và quan hệ hai nước. Tuy nhiên, gần đây đã có nhiều tín hiệu tích cực. "Chúng ta đang thấy dòng đầu tư mới của Ấn Độ vào Việt Nam với điển hình gần đây là dự án công viên dược", ông nói.
Cũng theo thông tin đại sứ, ở chiều ngược lại, FPT cũng đã mở rộng đầu tư sang Ấn Độ. Một số tên tuổi khác như Vĩnh Hưng, Eurowindow và một số doanh nghiệp logistics, bất động sản cũng đang bày tỏ quan tâm tìm hiểu đầu tư Ấn Độ.
"Chúng ta cần tiếp tục thông tin về nhau để hiểu rõ tiềm năng, năng lực của nhau. Cần tạo thuận lợi hơn cho đi lại giữa hai nước. Hiện đại sứ quán đang hỗ trợ thúc đẩy đầu tư cho 14 dự án sang Ấn Độ", ông Châu cho biết.
Còn theo Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma, hai nước cần nỗ lực nhiều hơn để xây dựng kết nối - cả vật lý cũng như kỹ thuật số, đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của mình đến gần nhau hơn. Đồng thời, nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA) - để nó phản ánh thực tế và kỳ vọng kinh tế hiện tại.
Viễn Thông