Người mẹ cho biết bé chào đời với cơ thể lành lặn, cử động và tập đứng tập đi như trẻ bình thường. Hơn ba năm trước, khi được một tuổi rưỡi, bé ngã, tay phải đau và biến dạng. Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á chẩn đoán bé gãy cùng lúc hai xương trụ và xương quay ở tay phải do mắc dị tật khớp giả bẩm sinh hai xương cẳng tay.
Ngày 6/9, bác sĩ Phan Văn Tiếp, chuyên gia chỉnh hình nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết khi bé còn nhỏ thì chưa bộc lộ bệnh, lúc vận động, chơi đùa va chạm mạnh có gãy xương mới phát hiện. Từ đó đến nay, bé trải qua 6 cuộc mổ để sửa chữa dị tật.
Lần phẫu thuật đầu tiên, các bác sĩ ghép xương tự thân, nẹp vít cố định để xương tăng trưởng như bình thường. Ba tháng sau, phần xương quay đã liền lại nhưng xương trụ thì chưa, bé phải phẫu thuật ghép thêm xương trụ. Tuy nhiên, chỗ xương trụ này không liền lại mà còn tiêu biến rộng hơn. Trong 11 tháng tiếp theo, trẻ phải mổ thêm ba lần để ghép xương tăng cường, đồng thời đeo bột liên tục để giữ cố định tay.

Cánh tay phải biến dạng của bé gái trước lần phẫu thuật thứ 6. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trong lần tái khám gần nhất, tình trạng xương bé không cải thiện. Phần xương trụ gãy không liền, thậm chí xương quay tái gãy do cử động sấp - ngửa của cẳng tay.
Các bác sĩ quyết định đổi phương pháp điều trị khác, bằng cách tháo bỏ dụng cụ nẹp xương trước đó và ghép mới xương đồng loại (xương từ người hiến tặng) cho trẻ. Cùng với đó, bé phải bó bột và khóa khớp quay trụ ở cẳng tay để không thể sấp - ngửa bàn tay được mà chỉ gập duỗi. Mục đích là cho xương trụ có cơ hội lành lại và xương quay không bị gãy thêm.
Theo bác sĩ Tiếp, khó khăn nhất của lần phẫu thuật này là trẻ đã trải qua nhiều cuộc mổ trước nên vùng mổ bị chai. Thêm nữa phần xương quay bị teo đét, gãy gập nhiều đoạn nên phải cắt ngắn xương. Trong khi đó, một đầu xương trụ teo nhỏ chỉ còn một chút. Sau khi chỉnh hình lại hai xương này, bác sĩ đã ghép xương đồng loại để thay thế chỗ gãy và bó bột cố định bên ngoài.
Hiện, ba ngày sau mổ bé đã bình phục, tay bớt sưng đau.
Một ổ xương gãy sẽ tự liền lại sau một thời gian, tùy theo từng xương. Nếu đến thời hạn liền xương bình thường mà vẫn chưa lành, thì gọi là chậm liền xương. Nếu đã qua thời gian gấp đôi bình thường (tức 6 tháng với xương lớn, ba tháng với xương nhỏ) mà xương vẫn không liền, gọi là khớp giả.
Tình trạng khớp giả bẩm sinh hai xương cẳng tay như bé gái trên rơi vào nhóm "cực kỳ hiếm gặp", y văn thế giới ghi nhận rất ít ca tương tự được báo cáo. "Nhiều khi cả đời hành nghề của một bác sĩ chỉ có thể gặp được một trường hợp thực tế", bác sĩ Tiếp nói. Việc điều trị dị tật này cũng tương đối khó khăn và cần nhiều thời gian. Có trường hợp tương tự, nhưng là gãy cẳng chân, mổ trên 10 lần vẫn chưa khỏi.
Thư Anh