Thứ hai, 20/1/2025
Thứ bảy, 4/5/2019, 09:24 (GMT+7)

6 kiệt tác thành thảm họa sau khi phục chế

Người làm nghề phục chế cần hồi sinh những cổ vật xuống cấp, nhưng trong nhiều trường hợp sai lầm của họ có thể phá hủy cả một kiệt tác.

Năm 2012, Cecilia Jimenez, họa sĩ nghiệp dư ngoài 80 tuổi, tình nguyện phục chế bức tranh chân dung Chúa Jesus xuống cấp trong một tu viện gần thị trấn Borja, đông bắc Tây Ban Nha. Tuy nhiên, lớp màu bà Cecilia tô lên khuôn mặt Chúa hoàn toàn khác so với tranh nguyên bản do họa sĩ Elías García Martínez vẽ từ hơn 100 năm trước.

Kết quả của nỗ lực phục chế nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, khiến dư luận tranh cãi và người địa phương nổi giận. Bà Cecilia sụt 17 kg vì áp lực, và day dứt vì nghĩ rằng mình đã biến bức chân dung Chúa thành trò cười.

Tuy nhiên, phép màu xảy ra khi các du khách bắt đầu tìm đến tu viện để chiêm ngưỡng tác phẩm, phí tham quan một euro một lần. Trong 4 tháng cuối năm 2012, có tới hơn 45.000 lượt khách đến đây. Lượng khách dần giảm nhưng vẫn duy trì khoảng 16.000 lượt một năm, gấp 4 lần mức trung bình trước đó. Thậm chí khách tham quan còn có thể mua cốc hay rượu vang in logo bức vẽ Chúa mới.

Nhà nguyện Sistina nổi tiếng tại Vatican hút khách tới chiêm ngưỡng tuyệt tác hội họa từ thế kỷ 15 và 16 trên mái vòm có diện tích khoảng 540 m2. Quá trình khôi phục toàn bộ tranh ở đây được đánh giá là có quy mô lớn nhất trong thế kỷ 20, do mất tới 20 năm với kế hoạch được phê duyệt từ năm 1994, kinh phi lên tới 3,1 tỷ USD.

Tuy nhiên nhiều nhà phê bình nghệ thuật cho rằng quá trình phục chế không thành công như mong đợi. Khi những nhà phục chế vệ sinh lớp bụi bẩn, họ đã chạm vào lớp màu ngoài cùng của các bức bích họa do chính danh họa Michelangelo chỉnh sửa tỉ mỉ. Một nhân vật trong tranh thậm chí không còn mắt do phục chế sai kỹ thuật.

“The Virgin and Child with Saint Anne" (Đức mẹ đồng trinh, đứa trẻ và Thánh Anne) là bức họa cuối cùng Leonardo Da Vinci chưa kịp hoàn thành khi ông đột ngột qua đời năm 1519.

Quá trình phục chế bức họa này kéo dài 18 tháng, do hai chuyên gia nghệ thuật hàng đầu thực hiện. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng bức tranh đã bị vệ sinh quá tay do màu sắc trở nên tươi sáng. Một số người băn khoăn liệu hai chuyên gia có làm mất lớp men nguyên bản do Leonardo chèn lên có dụng ý.

Hiện du khách có thể chiêm ngưỡng tác phẩm này trong phòng tranh Italy của bảo tàng Louvre tại thủ đô Paris, Pháp.

Năm 2016, Heather Wise, một nghệ sĩ nghiệp dư tình nguyện tu sửa bức tượng Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Hài Đồng bên ngoài nhà thờ Ste Anne des Pins, Sudbury (Canada).

Tượng Chúa Hài Đồng bị trộm đầu, và phần đầu mới được gắn thêm sau khoảng 2 tuần. Tuy nhiên diện mạo mới của tác phẩm gây sốc vì màu sắc và đường nét hoàn toàn đối lập với nguyên bản. Heather hứng chịu nhiều chỉ trích từ người dân địa phương.

May mắn là hành động của cô cũng có tác động tích cực bởi người đàn ông trộm phần đầu của bức tượng đã cảm thấy xấu hổ mà trả lại. Bức tượng được khôi phục nguyên trạng.

Năm 2014, một nhân viên trong bảo tàng Ai Cập đánh rơi chiếc mặt nạ vàng nặng 11 kg của pharaoh Tutankhamun, khiến phần râu gãy rời.

Thay vì báo cáo cho các chuyên gia, người phụ nữ này cầu cứu chồng mình, vốn là một nhà phục chế. Anh ta đã gắn lại bộ râu vào mặt nạ bằng keo siêu dính, nhưng bộ râu bị đặt sai hướng và nhuộm đen.

Để sửa sai, nhà phục chế nghiệp dư gỡ bộ râu ra và gắn lại, khiến mặt nạ bị xây xước nghiêm trọng dưới phần cằm và lộ vết keo. Sau đó, những chuyên gia Đức đã phục chế thành công và đưa mặt nạ vào tủ trưng bày vào năm 2015. 

Hiện du khách có thể chiêm ngưỡng chiếc mặt nạ có niên đại từ năm 1324 trước công nguyên này trong Bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cairo.

Năm 2014, đoạn Vạn Lý Trường Thành mang tên Tiểu Hà Khẩu, con đường 700 tuổi dài 8 km đi qua địa phận tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), bị đổ bê tông thô kệch. 

Chính phủ Trung Quốc cấp 10 triệu nhân dân tệ (hơn 33 tỷ đồng) cho Cục Di sản văn hóa quận Suizhong để tiến hành “công cuộc đổi mới”, nhằm giữ bức tường không bị sụp đổ dưới những trận mưa lớn. Kết quả dự án khiến phần lớn người dân Trung Quốc nhận xét bằng từ “kinh khủng”.

Tuy nhiên, Cục Quản lý nhà nước về di sản văn hóa tuyên bố: “Không ai phải chịu trách nhiệm về dự án, trừ khi tìm thấy sai phạm trong công tác quản lý hoặc vấn đề về chất lượng công trình”. 

Ban đầu, dự án được phê duyệt sửa chữa bằng cát và đá vôi. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện đã thay thế bằng xi măng. Dù vậy, theo giới chức, sử dụng xi măng là “cần thiết” để duy trì sự tồn tại của công trình.

Thực tế phục chế là công việc đòi hỏi chuyên môn đa ngành, người làm nghề vừa phải tinh thông lịch sử, văn hóa, vừa phải thành thạo kỹ năng điêu khắc, hội họa... hay am hiểu khi sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa, tạo màu, kết dính... Nhiều kiệt tác của các nghệ sĩ đại tài trong quá khứ đã tồn tại đến ngày nay nhờ nỗ lực của những chuyên gia phục chế. Một ví dụ điển hình là tác phẩm điêu khắc một thiên thần tại Nhà thờ Thánh Peter ở Vatican trên hình.

An An (Theo Bright Side)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net