Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 4/10/2020, 00:00 (GMT+7)

6 dự án hầm chui ở Hà Nội

Ngoài ba hầm chui đã khánh thành, Hà Nội đang xây dựng hầm chui Lê Văn Lương và dự kiến làm hai hầm khác trên đường Giải Phóng và đường Hoàng Quốc Việt.

Sáng 2/10, UBND thành phố khởi công dự án hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3, chiều dài 475 m, tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng. Ảnh: Văn Lộc

Khu vực xây dựng hầm chui Lê Văn Lương là một trong những nút giao mật độ phương tiện cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Buổi chiều từ 17h30 đến 19h, nút giao này thường xuyên xảy ra tình trạng xung đột giao thông kéo dài.

Phối cảnh hầm chui Lê Văn Lương. Hầm chui này là một trong những dự án trọng điểm của thành phố nhằm giải quyết ùn tắc tại nút giao Lê Văn Lương - vành đai 3. Theo thiết kế, hầm chui sẽ có 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75 m, gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,5 m mỗi làn. Dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2022.

Năm 2016, Hà Nội đã đưa vào hoạt động hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với đại Lộ Thăng Long; tổng mức đầu tư 1.087 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Thành

Hầm chui Trung Hòa được thiết kế dài 600 m, mỗi bên rộng 12 m, gồm 3 làn xe. Sau hơn 4 năm khánh thành, hầm chui Trung Hoà giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông trên nút giao vành đai 3 Khuất Duy Tiến và đại Lộ Thăng Long.

Khánh thành cùng ngày với hầm chui Trung Hoà, hầm nút giao Thanh Xuân có tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng cũng giúp giải quyết ùn tắc, xung đột giao thông giữa đường Nguyễn Trãi với đường vành đai 3.

Hầm chui Thanh Xuân dài 980 m, mỗi bên hầm có hai làn xe hỗn hợp. Đây được coi là hầm chui thi công phức tạp và khó khăn nhất vì được làm song song với dự án đường sắt trên cao, hệ thống trụ đường sắt đi qua dải phân cách giữa ở hai ống hầm. Cùng với tuyến đường sắt trên cao, cao tốc trên cao và đường bộ, đây là nút giao 4 tầng đầu tiên tại thủ đô.

Hầm chui Kim Liên - Xã Đàn là hầm chui đầu tiên ở thủ đô, khánh thành năm 2009 với tổng mức đầu tư 467 tỷ đồng, dài 140 m kết nối đường Trần Khát Chân và Kim Liên, Xã Đàn thuộc hệ thống vành đai 1. Hầm được thiết kế mỗi bên có hai làn xe máy, ôtô chạy hỗn hợp.

Ngoài các dự án hầm chui đã có và đang xây dựng. Hà Nội còn hai nút giao khác dự kiến xây dựng hầm chui. Trong đó, dự án hầm chui tại nút giao giữa vành đai 2,5 (Kim Đồng nối với đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) được thành phố phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi vào năm 2018. Hầm chui này dự kiến xây theo hướng đường vành đai 2,5 nối đường Đầm Hồng - Giáp Bát (chui ngầm qua đường Giải Phóng) với đường Kim Đồng, tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 600 m.

Tổng đầu tư cho các hạng mục công trình dự kiến 670 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2019 - 2020. Tuy nhiên đến nay chưa được khởi công do khó khăn về kinh phí và dự án đường vành đai 2,5 nối Đàm Hồng - Giáp Bát vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Năm 2019, Ban quản lý dự án Thăng Long cũng trình Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xây dựng hầm chui khoảng 700 tỷ đồng qua đường vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long theo hướng Hoàng Quốc Việt sang đường Trần Vỹ (quận Nam Từ Liêm). Tuy nhiên đến nay dự án chưa được phê duyệt và chưa nghiên cứu tiền khả thi.

Bá Đô