Sân bay Tân Sơn Nhất quy hoạch đến năm 2020 công suất 25 triệu lượt khách mỗi năm, nhưng từ năm 2017 đã đón gần 40 triệu lượt. Tăng trưởng quá nhanh khiến sân bay quá tải cả trên trời lẫn dưới đất. Sân bay lại chỉ có một lối ra vào duy nhất là đường Trường Sơn nên khu vực này luôn bị ùn tắc và kẹt xe, ảnh hưởng nhiều tuyến đường gần đó như Bạch Đằng, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ...
Để giảm ùn tắc cho khu vực sân bay, năm 2016 Sở Giao thông Vận tải TP HCM lập kế hoạch triển khai 6 dự án: cầu vượt trên đường Trường Sơn; cầu vượt ở nút giao Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm; mở rộng đường Hoàng Minh Giám; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; mở một đoạn đường Cộng Hòa ở nút giao Lăng Cha Cả.
Trong 6 dự án này, hai cầu vượt bằng thép khởi công từ đầu năm 2017. Cụ thể, cầu vượt trên đường Trường Sơn (trước cổng sân bay) kinh phí 242 tỷ đồng, có hình chữ Y, một nhánh dài 300 m dẫn vào ga quốc tế và một nhánh dài hơn 150 m vào ga quốc nội. Công trình hoàn thành tháng 7/2017 cho xe chạy một chiều từ đường Trường Sơn vào sân bay, giúp giảm giao cắt giữa các hướng đi.
Cách đó hơn 2 km, cầu vượt tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám với tổng kinh phí 504 tỷ đồng trong năm 2017 hoàn thành hai nhánh Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn và Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm. Nhánh thứ ba Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn vướng mặt bằng, đến đầu năm 2019 mới hoàn thành.
Cùng năm 2017, TP HCM thực hiện dự án mở đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh Công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh) tổng vốn hơn 166 tỷ đồng. Đường Hoàng Minh Giám sau khi được mở rộng 30 m đã kết nối cầu vượt ở nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, giúp xe đi từ quận 12, Gò Vấp vào trung tâm thành phố và ngược lại thuận tiện hơn trước.
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết 3 dự án nói trên hoàn thành phần nào giúp khu vực sân bay Tân Sơn Nhất giảm kẹt xe nhưng ùn tắc ở đây chưa được giải quyết triệt để. Áp lực giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất còn tăng cao hơn khi sân bay này xây thêm nhà ga T3 (tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành giữa năm 2023) nâng công suất khai thác mỗi năm lên 50 triệu lượt khách. Điều này khiến thành phố cần đẩy nhanh tiến độ 3 dự án còn lại.
Trong 3 dự án chưa triển khai, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (song hành đường Cộng Hòa) được xem là công trình quan trọng nhất. Tuyến này xây mới, dài hơn 4,4 km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp hơn 1.735 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 2.640 tỷ đồng, còn lại là kinh phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng...
Điểm đầu của dự án từ đường Trần Quốc Hoàn theo Phan Thúc Duyện - đường 18E (thuộc Bộ Quốc phòng quản lý) - đường C2 - Hoàng Hoa Thám - đường C12 - Cộng Hoà. Khi thực hiện, công trình tạo thêm hướng tiếp cận đến sân bay, phá thế độc đạo của đường Trường Sơn và giảm lượng xe dồn vào vòng xoay Lăng Cha Cả - nơi kết nối các tuyến Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện. Tuyến đường còn kết nối các metro đi qua sân bay trong tương lai, gồm: Số 2 (Bến Thành - Tham Lương), 4b-1 (tuyến nhánh vào sân bay) và Số 5 giai đoạn một (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).
Dự án này được Sở Giao thông Vận tải đề xuất xây dựng từ năm 2016, nhưng đến nay chưa thể thực hiện do đi qua đất quốc phòng, hiện chưa thống nhất ranh dự án. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND TP HCM đã hai lần (gần nhất ngày 16/10) kiến nghị Bộ Quốc phòng thống nhất ranh và bàn giao hơn 1.100 m2 đất để tổ chức giao thông, tái định cư tại chỗ cho 33 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ngoài tuyến đường 4.800 tỷ đồng nói trên, hai dự án còn lại đang được thành phố đẩy nhanh. Cụ thể là dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài gần 800 m, rộng 22 m, tổng đầu tư 257 tỷ đồng, nhằm mở thêm cửa ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Kế đến là dự án cải tạo, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa, dài 134 m, từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, bị thắt cổ chai nên thường xuyên gây kẹt xe ở nút giao thông Lăng Cha Cả, có tổng vốn đầu tư 141 tỷ đồng.
Cả hai dự án được phê duyệt từ tháng 8/2017 nhưng chưa thể làm vì vướng mặt bằng, trong đó có diện tích thuộc đất quân đội. Để đẩy nhanh tiến độ, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị UBND quận Tân Bình sớm bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông (chủ đầu tư) để thi công. Hai công trình nếu có mặt bằng dự kiến hoàn thành sau nửa năm thi công.
Gia Minh