Ngày 24/10, Bộ Công Thương họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đây là lần thứ hai trong một tháng qua, bộ này "ngồi lại" với các doanh nghiệp đầu mối, để tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung khi thị trường trong nước xáo trộn.
Theo thông tin từ cuộc họp, Vụ Thị trường trong nước cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay được Bộ Công Thương giao cho các doanh nghiệp đầu mối (36 doanh nghiệp, trong đó có 3 đơn vị nhập nhiên liệu máy bay) là hơn 20,72 triệu m3, tấn xăng dầu các loại.
9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đầu mối nhập (từ nước ngoài, các nhà máy lọc dầu trong nước) gần 17,24 triệu m3 xăng dầu các loại (trừ nhiên liệu bay). Trong đó, số xăng nhập về đạt gần 92% tổng nguồn giao (hơn 7,47 triệu m3, tấn); dầu diesel đạt 83,5%. Dầu hoả, dầu mazut lần lượt 82,1% và 67,5% tổng nguồn Bộ này giao các doanh nghiệp.
Phần lớn các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn như Petrolimex, PVOil, Saigon Petro hay Dầu khí Đồng Tháp (Petimex)... đều nhập đạt và vượt số lượng xăng, dầu diesel.
Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, một số doanh nghiệp không nhập đủ hàng tối thiểu được giao. Số này gồm Công ty TNHH sản xuất, thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (dầu diesel), Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát (xăng), Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.
Trước đó, đầu tháng 10, Bộ Tài chính dẫn báo cáo của hải quan cũng cho biết, lượng xăng nhập khẩu quý III giảm 35% với dầu diesel, 40% với xăng so với quý II. Và chỉ 19 trong 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Thị trường trong nước vừa qua bất ổn, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nhất là khu vực phía Nam, đứt nguồn cung, thua lỗ buộc phải bán nhỏ giọt, hoặc đóng cửa.
Để đủ nguồn cung xăng dầu trong quý IV, Bộ Công Thương hôm nay cho biết, dự kiến phân giao (gồm nguồn nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) khoảng 5,5 triệu m3 hoặc tấn xăng dầu, tương đương mỗi tháng trên 1,83 triệu m3. Trong đó, gần 41% là xăng, tương đương 2,25 triệu m3 (bình quân 749.355 m3 một tháng). Còn lại, dầu diesel trên 3,13 triệu m3, bình quân mỗi tháng là hơn 1,04 triệu m3. Tổng nguồn tối thiểu với dầu hoả, mazut hơn 118.780 m3, tấn.
Mức phân giao được Bộ này thực hiện dựa trên tỷ trọng tổng nguồn đã phân cho các doanh nghiệp vào đầu năm nay.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nói, thị trường năm nay có những dị biệt do tác động từ thế giới. Một lần nữa ông Bảo nhắc lại khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là chi phí chưa được tính đúng, đủ.
Ông nêu thực tế, chi phí lưu thông xăng dầu (chi phí đưa hàng ra thị trường từ thương nhân phân phối đến cửa hàng bán lẻ) áp dụng 8 năm nay chưa điều chỉnh, trong khi theo quy định phải rà soát hàng năm.
Ngoài ra, chi phí tạo nguồn (giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước...) mới thực hiện từ năm nay, nhưng cũng chưa được điều chỉnh sát thực tế.
Chẳng hạn, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước, ông Bảo cho hay tới 11/10 mới được áp dụng, chậm 3 tháng. Vì thế, trong quý III, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước bị lỗ 600 đồng một lít trong quý III.
Trong khi đó, chi phí nhập khẩu được điều chỉnh nhưng giá thực tế tăng rất cao. Ông Bảo tính toán, việc điều chỉnh các chi phí nhưng không sát thực tế khiến các doanh nghiệp lỗ trong quý II, riêng khâu tạo nguồn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Với tổng nguồn xăng dầu Bộ Công Thương dự tính giao các doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tính toán, chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ trên 1.000 đồng một lít. "Họ đã lỗ, giờ nếu lỗ thêm nữa sẽ không thể chịu được", ông Bảo nhìn nhận.
Vị này đề xuất, lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước. Việc này nhằm đảm bảo doanh nghiệp nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất trong quý IV.
Hiệp hội Xăng dầu cũng đề xuất liên Bộ Công Thương - Tài chính rà soát các chi phí 3 tháng một lần, thay vì 6 tháng hiện nay để giảm chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.
Ghi nhận đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, song ông Trần Duy Đông cho hay, việc trích, chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu được quy định rõ ràng, và phải chi đúng mục đích. Ông nói thêm, Bộ này sẽ làm việc tiếp với các doanh nghiệp để giao tổng nguồn phù hợp thực tế, mục tiêu đảm bảo tổng nguồn cung xăng dầu trong quý IV.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, vật tư chiến lược. Vì thế, doanh nghiệp sản xuất, đầu mối và thương nhân phân phối "bất cứ hoàn cảnh nào không được thiếu nguồn cung. Đây không chỉ đơn thuần là an ninh kinh tế, còn là an ninh quốc gia, trật tự xã hội".
Về giải pháp cho thị trường xăng dầu, Bộ trưởng khẳng định tới đây sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trên cơ sở làm rõ nguyên nhân tác động tới thị trường, tháo gỡ khó khăn, sửa đổi cơ chế quản lý phù hợp.
Ông đề nghị các doanh nghiệp cần lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, mua bán để bảo đảm lượng dự trữ; ứng dụng phần mềm quản lý, minh bạch thông tin. Song trước mắt nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ xử phạt, thậm chí thu hồi giấy phép.
"Bất kể doanh nghiệp nào, nếu lần 1 kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ phạt tiền, lần 2 vẫn vi phạm thì phạt tiền cao hơn và nếu vi phạm lần 3 các quy định Nghị định 95 trong 2 năm thì phạt hành chính, thu hồi giấy phép", ông nói.