Ngày 14/8, Đại học Nguyễn Tất Thành công bố điểm trúng tuyển đợt 3 với phương thức xét tuyển học bạ cho 44 ngành đào tạo đại học - với mức điểm tương đương trong hai lần xét tuyển học bạ trước.
Ngành Y khoa có điểm trúng tuyển 8,3; Dược 8; Y học dự phòng, Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học là 6,5. Ngoài mức điểm trúng tuyển, thí sinh cần đạt quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Gần 40 ngành còn lại thuộc các khối ngành Kinh tế, Xã hội nhân văn, Mỹ thuật - Nghệ thuật, Kỹ thuật - Công nghệ lấy điểm chuẩn là 6. Điểm trung bình học kỳ ở mỗi năm học THPT hoặc điểm theo tổ hợp môn xét tuyển chỉ cần từ 6 trở lên, thí sinh có thể trúng tuyển.
Phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ của trường này yêu cầu thí sinh đạt một trong ba tiêu chí: tổng điểm một học kỳ lớp 10, lớp 11 và lớp 12, được chọn học kỳ cao điểm nhất; điểm tổ hợp các môn xét tuyển lớp 12; điểm trung bình cả năm lớp 12. Điểm trúng tuyển là tổng điểm 3 học kỳ hoặc tổng điểm 3 môn xét tuyển chia 3.
Năm nay, trường này tuyển hơn 6.200 chỉ tiêu ở 44 ngành với 4 phương thức: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; kết quả học bạ; thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và cử tuyển.
Tương tự, Đại học Văn Hiến cũng thông báo điểm trúng tuyển đại học theo kết quả học bạ THPT cho 29 ngành, trong đó cao nhất là Điều dưỡng và Quản lý bệnh viện với 19 điểm, các ngành còn lại lấy 18 điểm.
Điểm chuẩn được tính theo một trong 3 cách: tổng điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn xét tuyển, không nhân hệ số; tổng điểm học bạ năm lớp 11 và học kỳ một lớp 12 theo tổ hợp 3 môn; điểm trung bình lớp 12.
Đại học Văn Hiến tuyển hơn 3.600 chỉ tiêu với 31 ngành thuộc các nhóm Kinh tế, Công nghệ, Du lịch, Khoa học xã hội, Nghệ thuật.
5 phương thức tuyển sinh của trường gồm: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với 35% tổng chỉ tiêu; xét học bạ 40%; xét kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM 15%; xét tuyển thẳng 10% và xét tuyển theo kỳ thi riêng với ngành Thanh nhạc và Piano.
Tương tự, trong 45 ngành tuyển sinh năm nay của Đại học Văn Lang, 26 ngành lấy điểm chuẩn xét học bạ là 18; 6 ngành khác lấy điểm chuẩn là 24 (môn chính nhân hệ số 2).
Điểm xét tuyển là điểm trung bình năm học lớp 12 hoặc điểm trung bình năm học lớp 11 và học kỳ một lớp 12 theo tổ hợp môn. Tính ra, điểm trung bình học bạ mỗi môn thí sinh đạt từ 6 trở lên.
Một số ngành có điểm chuẩn học bạ cao trên 18 gồm: Điều dưỡng 19,5; Kỹ thuật xét nghiệm y học 19,5; Quản trị Công chúng 21 điểm; Quản trị kinh doanh 20; Luật 20,5; Luật Kinh tế 20,5; Dược học 24.
Trước đó, trường Đại học Hoa Sen cũng công bố kết quả trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ THPT đợt một. Tất cả 28 ngành đều lấy điểm chuẩn là 6. Một số ngành như Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ hoạ, Thiết kế nội thất có thêm yêu cầu điểm trung bình cộng môn Toán hoặc Văn từ 5,5 trở lên.
Với phương thức xét tuyển học bạ, trường có 3 cách tính điểm: kết quả học bạ theo 5 học kỳ (cả năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ một lớp 12); điểm trung bình cộng cả năm lớp 10, 11 và 12; điểm trung bình cộng 3 môn trong tổ hợp xét tuyển.
Năm nay trường này có 3.600 chỉ tiêu với 5 ngành mới Hoa Kỳ học, Nhật Bản học, Quản trị sự kiện, Nghệ thuật số, Bảo hiểm.
Theo thông tư 09/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tuyển sinh đại học 2020, căn cứ phương thức tuyển sinh, các trường tự xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong đề án tuyển sinh. Riêng các ngành thuộc nhóm sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề, ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và giáo dục mầm non trình độ cao đẳng, Bộ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng.