Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn cầu, khiến 9,6 triệu người chết năm 2018. Việt Nam có khoảng 165.000 ca ung thư mới và khoảng 115.000 ca tử vong do ung thư mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do ung thư chuẩn hóa theo độ tuổi tại Việt Nam là 104 (trên 100.000 dân) xếp hạng 57 trên toàn cầu.
Hiện, ung thư vẫn là thách thức lớn đối với y học thế giới. Ung thư có thể xảy ra ở mọi bộ phận trên cơ thể, trong khi bệnh nhân thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư ác tính nguyên phát phổ biến nhất, hầu hết có nguồn gốc từ biểu mô niêm mạc phế quản. Phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn nặng, nguyên nhân là triệu chứng bệnh khó nhận biết, dễ di căn sớm như di căn xương, gan.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra một số bất thường trên cơ thể, đặc biệt phần chân tay, có khả năng là dấu hiệu của ung thư phổi.
Vấn đề về da chân
Sau khi chức năng phổi bị tổn thương, khả năng hô hấp sẽ giảm. Hàm lượng oxy trong máu cũng thấp hơn khiến da và các mô màng nhầy không được cung cấp đủ oxy, có thể dẫn đến da tái nhợt.
Vì vậy, người hút thuốc lâu năm có biểu hiện bất thường ở da chân nên đi khám càng sớm càng tốt. Bên cạnh các dấu hiệu ngoài da, người bệnh cũng có thể bị ho có đờm, ra máu, tức ngực.
Xuất hiện cục u ở chân
Hầu hết khối u ở chân đều lành tính, nhưng đôi khi nó có thể do di căn từ phổi, tuyến tiền liệt và các bệnh ung thư khác. Kết cấu của khối u thường cứng và không đau. Ngoại trừ một số người, hầu hết bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu ở giai đoạn muộn. Những bệnh nhân có cục u ở chân thường mắc sarcoma, một dạng bệnh ung thư hiếm gặp, phức tạp và độ ác tính cao.
Sarcoma đặc biệt xuất hiện như dạng khối và có thể phát triển lớn đến 20 cm hoặc hơn. Tùy thuộc vào vị trí nó khu trú, nó có thể gây ra các triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như ho (nếu nó ở trong ngực), sưng chân tay hoặc vùng bụng.
Đau nhức chân
Những cơn đau, nhức khó chịu ở chân không thuyên giảm, kể cả khi nghỉ ngơi hoặc xoa bóp cũng có thể báo hiệu ung thư phổi. Cơn đau là do dây thần kinh bị chèn ép hoặc ung thư đã di căn đến xương. Ở người bệnh, cơn đau xuất phát âm ỉ, nhưng ngày càng trầm trọng hơn, thay vì chỉ thỉnh thoảng xảy ra.
Sưng chân
Chân tương đối giàu mạch máu và dây thần kinh. Một khi tế bào ung thư phát triển tràn lan, chúng có khả năng xâm lấn các mạch máu và dây thần kinh. Đồng thời, hầu hết bệnh ung thư đều xuất hiện kèm theo cục máu đông, có thể dẫn đến các triệu chứng như sưng tấy, đau chân không rõ nguyên nhân.
Ngón tay dùi trống
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Anh, hiện tượng tích tụ chất lỏng do khối u sản xuất hormone khiến gốc móng tay của người bệnh ung thư sưng to. Đây là triệu chứng tương đối phổ biến, khoảng 35% người bệnh mắc phải. Do sưng, khi hai móng áp sát vào nhau sẽ không có khoảnh trống nữa.
Sưng móng tay biểu hiện ở nhiều giai đoạn khác nhau của bệnh ung thư. Ban đầu, móng tay của người bệnh mềm đi và cong dần lên, vùng da xung quanh trở nên sáng bóng. Phần gốc móng phát triển lớn hơn bình thường.
Một trong những phương pháp đơn giản để kiểm tra nguy cơ ung thư phổi là đặt hai đầu ngón tay trỏ sát nhau. Giữa hai móng tay nếu không có khoảnh trống này có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi. Y học gọi đây là "thử nghiệm cửa sổ Schamroth", thường được các bác sĩ sử dụng để tầm soát ung thư, tim mạch một cách đơn giản.
Emma Norton, y tá chuyên khoa ung thư tại tập đoàn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế BUPA khuyên: "Nếu giữa hai móng tay không xuất hiện khoảnh trống, bạn nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt để kiểm tra".
Thục Linh (Theo WHO, Aboluowang)